Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN BÓNG BÀN

30 Tháng Bảy 20158:47 CH(Xem: 9884)
MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN BÓNG BÀN
Trong đời tôi có một vài sở thích mà bóng bàn là một trong những môn chiếm khá nhiều thì giờ thời niên thiếu của mình. Lúc còn bé được anh dắt ra phố chơi, vào tiệm bi da có đặt một bàn ping-pong, (thời đó người ta vẫn quen gọi như vậy) thấy có mấy người chơi cũng vui vui lành mạnh.

Về nhà căng một sợi dây trên tấm phản gỗ, kiếm được trái banh, vợt là một miếng gỗ rồi rủ bạn hàng xóm cùng chơi bóng bàn rất thích thú. Lớn hơn chút nữa, nhà cho tiền xài cũng tiêu vào cho cái bàn ping-pong ngoài phố.

Trong trường trung học có cái bàn, nhiều người dành chơi phải đợi rất lâu mới tới phiên mình. Mùa hè hay cuối tuần rất vắng nhưng vấn đề khó khăn nhất là đi tìm bạn để cùng chơi vì ít ai say mê như mình. Không có ai huấn luyện, tôi chỉ tự tập lấy và thỉnh thoảng bắt chước kỹ thuật một vài cây vợt đàn anh ở phố nhỏ.

Khoảng năm đệ tam thì tôi đoạt chức vô địch trưòng trung học Nguyễn Huệ Tuy Hoà, nhưng vẫn còn thua một vài đấu thủ đàn anh trong tỉnh nhà, vẫn xếp hạng nhì ba chứ chưa được hạng nhất.

Cho đến khi đi học trường sư phạm Qui Nhơn thì bạn bè cũng hãnh diện với cái tài bóng bàn của mình. Một kỷ niệm buồn không bao giờ quên là trong lần tranh giải vô địch bóng bàn trường, tôi đã thua một tay vợt người Quảng Tín. Anh này theo trường phái của Nguyễn Văn Gương, tức là cây vợt có một mặt mút, mặt kia bóc ra chỉ còn gỗ, lấy dao gạch mấy đường lằn, đục mấy lỗ rồi sơn đỏ.

Lúc tập dợt tôi thắng anh ta dễ dàng nhưng khi vào trận anh ta mới đem cây vợt quái dị ra. Mặt gỗ không sợ cú giao banh xoáy quì xuống chặt của tôi và đặc biệt banh chạm mặt gỗ của cây vợt đó qua lưới rất cao nhưng tôi đều đánh ra ngoài. Độ xoáy banh của mặt gỗ này rất lạ, tôi đỡ cũng bị cao và đối phương tha hồ dứt điểm.

Đúng ra theo luật quốc tế thì cây vợt đó bất hợp lệ và sau này tôi mới biết cách đối phó loại vợt này. Đây là một loại vợt tạm gọi là “phản xoáy” (anti-spin) mà một số đấu thủ thiên về phòng thủ hay dùng.

Bạn thử tưởng tượng nỗi buồn của tôi khi bao nhiêu bạn bè ủng hộ và trong đó có cả người mình đang theo đuổi, ai cũng tin tưởng là tôi thắng giải dễ dàng.

Khi vào Sài Gòn học Luật khoa, tôi ở tại đại học xá Minh Mạng, có lần tổ chức tôi được chức vô địch bóng bàn cũng như vô địch cờ tướng vào năm 1974.

Đó là những thành tích cao điểm về bóng bàn cuả tôi, như là một kỷ niệm dễ thương. Kể ra như vậy để các bạn hiểu rằng tôi cũng mê và hiểu biết về bộ môn bóng bàn một cách tạm đủ để viết những bài phóng sự về môn thể thao này.

Qua Mỹ, ở tại San Jose, hàng năm hội Tết ở đây có tổ chức đấu bóng bàn và tên tuổi Nguyễn Đình Khoa trong cộng đồng Việt nam đã vang lừng. Có một số cây vợt quốc tế đến tham dự và tôi có dịp làm quen với Hội Bóng Bàn Bắc Cali qua ông Nguyễn Đình Sơn là hội trưởng. Từ đó tôi có thêm tài liệu, tin tức để theo dõi sinh hoạt bóng bàn Mỹ và thế giới.

Vào thập niên 90 và qua thế kỷ 21 thì vấn đề truyền thông phát triển. Các trận đấu bóng bàn của các cây vợt hay nhất được thu hình vào các băng video để từ đó mọi người có thể mở rộng tầm mắt hơn.Và mới thấy là nhân tài mọi nơi rất phong phú cũng như tài năng bóng bàn của cá nhân mình chỉ là hạt cát. Ngay cả các danh thủ Việt nam cũng chỉ là hạng trung bình của thế giới.

Luật bóng bàn thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn cây vợt phải có 2 mặt màu khác nhau, một bên đen, một bên đỏ. Lý do là để người ta biết đấu thủ đó xài loại mút với loại xoáy nào. Thí dụ anh ta dùng mặt đen là phản xoáy, mặt đỏ là mút gai thì khi thi đấu hay giao banh đấu thủ của anh ta có thể biết mà đối phó. Nhưng cũng có cây vợt trong lúc giao đấu xoay mặt vợt rất mau làm bên kia cũng không có thì giờ phán đoán cho kịp.

Điều đặc biệt của bộ môn bóng bàn là nhanh, chính xác và độ xoáy của trái banh. Từ ngày các loại mút được cải tiến thì sự quan trọng của độ xoáy banh được quan tâm rất nhiều. Như loại mút gai, mút phản xoáy, mút chậm, mút nhanh, mỗi loại mút cho độ xoáy banh khác nhau .Do đó kinh nghiệm về độ xoáy của banh rất cần cho đấu thủ bóng bàn.

Thí dụ như bạn chặt càng xoáy thì bên kia đối thủ dùng mút phản xoáy trả banh lại càng xoáy hơn, do đó cách hay nhất là bớt dùng xoáy banh. Hay đấu thủ dùng mặt gai thì banh trả lại thường lực yếu hơn mút thường nên bạn phải tăng lực một chút để banh không bị dính lưới. Có thể cây vợt nào đó tấn công dũng mãnh nhưng gặp một cây vợt phản xoáy mà anh ta chưa thử qua thì banh cứ đánh ra ngoài.

Nhiều khi khán giả bên ngoài thấy một đấu thủ đánh tà tà chẳng có gì  hay nhưng chỉ người trong trận mới biết là độ xoáy của bên kia dữ dội cỡ nào.

Vào thập niên 50, 60 bóng bàn chuyên về thủ rất nhiều, có trường hợp một trận đấu kéo dài cả hai ba giờ đồng hồ làm người xem rất chán.Nhưng sau này các loại mút tân kỳ được chế ra và các đấu thủ lại chuyên về tấn công. Chỉ cần giao banh qua, đối thủ đỡ banh hơi cao là giựt xoáy thật mạnh dứt điểm. Banh đi quá nhanh mà banh lại nhỏ màu trắng nên khán giả khó thấy để mà thưởng thức. Trận đấu bóng bàn lúc này lại kết thúc quá mau cũng làm thiếu sự hấp dẫn.

Vào tháng 10 năm 2000, một sự kiện lịch sử xảy ra, đó là trái banh lớn hơn được chính thức sử dụng thay thế trái banh cũ nhỏ hơn. Banh  mới với đường kính 40 milimét và nặng 2.7 gam. Lúc Ủy ban bóng bàn thế giới biểu quyết dùng banh lớn thì phái đoàn của Mỹ và Đài Loan bỏ phiếu chống.

Banh lớn ra đời ảnh hưởng một số kỹ thuật giao đấu bóng bàn.

Một điều rất dễ thấy là tốc độ xoáy của banh giảm đi làm cho các đấu thủ chuyên về dùng xoáy như giao banh xoáy, chặt xoáy, giựt xoáy mất đi một phần lợi thế.

Banh lớn khi di chuyển được nhìn thấy dễ dàng hơn để khán giả có thể thưởng thức nhiều hơn của trận đấu bóng bàn. Trong lần tranh giải thế giới giữa 16 cây vợt hay nhất được chọn theo khu vực địa lý giữa các quốc gia tổ chức vào tháng 10-2000 thì banh lớn được đem ra lần đầu áp dụng và 1 đấu thủ rất mới của Trung quốc đoạt giải.

Có thể một lý do được đưa ra là các danh thủ bóng bàn quốc tế vừa dự giải Olympic Sydney 2000 tại nước Úc tháng 9-2000 đang dùng banh cũ nên họ chưa có thì giờ để tập dợt với banh lớn. Trong khi đó nước tổ chức là Trung quốc đã có những đấu thủ đặc biệt quen với banh này rồi và dĩ nhiên theo dự tính họ đã đoạt chức vô địch. Bạn nên nhớ là Trung quốc là một nước cộng sản có kế hoạch, bóng bàn là một môn thể thao mà họ hãnh diện và đã làm bá chủ thế giới bao nhiêu năm. Nhà nước nuôi sẵn các tài năng bóng bàn từ lúc còn nhỏ, ăn chỉ lo tập bóng bàn để thi đấu các giải quốc tế đem vinh dự về cho Trung quốc.

Viết tới đây, bỗng nhớ tới sự kiện xảy ra năm 1997 trong giải bóng bàn thế giới tổ chức tại Trung quốc thì danh thủ Kim Tak Soo của Nam hàn trong một thời sung sức đã hạ cây vợt hàng đầu Wang Tao trong trận bán kết. Và rất có triển vọng Soo sẽ thắng Kong Ling Hui của Trung quốc để đoạt chức vô địch. Nhưng một điều bất ngờ xảy ra là Ban tổ chức đã tuyên bố là Kim Tak Soo vì dùng một loại keo bị cấm gây hại tới sức khỏe nên cho Wang Tao của Tàu thắng. Sau đó Wang nhường cho Kongling Hui chiếm giải.

Quyết định của Ủy ban tổ chức nói lên tinh thần đế quốc của thiên triều Trung quốc gây nhiều bất bình cho giới mộ điệu và đối với chuyện này người viết không bao giờ nể trọng tinh thần thể thao của chính quyền cộng sản Trunq quốc . Lẽ ra trước trận đấu, các đấu thủ phải xét vợt kỹ lưỡng và khi kết quả trận đấu đã tuyên bố thì không thể nào thay đổi. Cái lý do dùng keo bị cấm không quan trọng lắm vì nó không ảnh hưởng tới kỹ thuật của trận đấu. Có hai giải pháp, một là cho đấu lại với Wang Tao, hai là bảo Kim Tak Soo dùng vợt khác để đấu trận chung kết. Nhưng Trung cộng muốn chắc ăn, nhân cơ hội này để loại Soo và để 2 đấu thủ của mình vào trận đấu nhất nhì.

Có lẽ đó là lần đấu giải hay nhất trong đời của Kim Tak Soo, nếu không bị chơi ép biết đâu anh đoạt chức vô địch thế giới 1997, một vinh dự cao quý. Với lối cầm thìa, Soo đánh rất dũng mãnh, chịu chạy tới chạy lui theo banh tới cùng cho khán giả cảm giác hứng khởi.

Xuân Tân Tỵ
1-2001