Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

TUY HÒA – CHIỀU LÊN ĐỒI THÁP

29 Tháng Bảy 20158:56 CH(Xem: 10012)
TUY HÒA – CHIỀU LÊN ĐỒI THÁP
Nhà tôi ngay bên sông , cái nhánh sông có cái cầu ba nhịp bắc ngang, chảy cạnh phố Tuy Hòa. Gần đó nhánh sông khác lớn hơn qua cây cầu Đà Rằng dài nhất miền Nam 1100 mét cũng chảy ra biển . Giữa hai nhánh sông này là bãi cát phù sa gọi là Ngọc Lãng, cái tên bình dân mà hồi còn bé tôi được nghe là Soi Bún, bây giờ dân cư đông đảo được vài trăm mái nhà chuyên sống về nghề trồng rau cung cấp cho thành phố Tuy Hòa.

Nhánh sông nhỏ ngang nhà tôi có người gọi là sông Chùa có lẽ vì khu vực đó có nhiều chùa. Nào là chùa Kim Cang từ ngay đầu cầu ba nhịp, rồi đi xuống một vài trăm mét  là chùa Bà, chùa Ông, chùa Kim Long, chùa của phái khất sĩ gọi là tịnh xá Ngọc Phú, chưa kể có mấy cái miễu thờ nhiều loại thần.

Nhánh sông Chùa cũng rất gần ngọn núi Nhạn cao chừng hơn trăm thước , trên đó có ngọn Tháp của người Chiêm Thành xây để lại như là dấu tích văn hóa của một dân tộc đã bị người VN trên bước đường Nam tiến xua đuổi. Cây cầu Đà Rằng dài 21 nhịp và Tháp Nhạn trên ngọn núi ngay giữa lòng thành phố là hình ảnh biểu tượng đặc biệt nhất của thành phố Tuy Hòa. Lưu lạc xứ người Bắc Mỹ hai mươi năm, xa quê hương cả nữa vòng trái đất, cũng hay có những lúc mơ mộng thả hồn về chốn cũ hình ảnh Tuy Hòa lại hiện ra rất êm đềm.

Con sông sát ngay nhà mỗi năm lụt nước đều ngập, những ngày trời mưa nước dâng cao cuồn cuộn chảy ra biển gần đó cho cảm giác lo sợ của con người trước sự hung bạo của thiên nhiên. Nhìn ra phía sau nhà ngọn núi có Tháp Nhạn rêu phong, ngọn núi đó thời mười mấy tuổi tôi thường cùng bạn bè leo lên ngắm trời ngắm biển ngắm phố xá.

Năm 1972 tôi phải sắp rời Tuy Hòa để đi học xa, phải giã từ thời trung học , bạn bè và nơi chốn mình đã sống từ lúc sinh ra. Bài hát Chiều Lên Đồi Tháp được sáng tác với tất cả tâm tình và kiến thức âm nhạc học từ bạn bè của phố nhỏ. Tôi nhờ bạn kẻ nhạc và in bằng tay được mấy bản tặng cho thân hữu. Có người nghi ngờ khả năng của mình một cậu học sinh , có người khen lấy lệ và hình như bài hát đó cũng chìm vào quên lãng theo thời thế.

Khi qua Canada bắt đầu sáng tác mấy ca khúc tôi lại nhớ tới bản nhạc đầu tay của mình và may quá cô em ở nhà lục lọi tìm thấy bài hát và chép lời gởi qua. Gần ba chục năm trôi đi, lời ca vẫn thân thuộc như ngày nào , nét nhạc cũng êm ái của một thời kỷ niệm. “ Chiều nay lên đồi Tháp. Nhớ thương ơi dạt dào. Lòng ta sao trìu xuống . Đâu kỷ niệm hôm nao..” Tôi vẫn ấp ủ phổ biến bài hát này và bây giờ đã thỏa nguyện với tiếng hát Hương Lan ngọt ngào trong cuốn CD Tình Ca Trần Chí Phúc 4 mang chủ đề Chào Em Năm 2000. Coi như là món quà tinh thần cùng chia xẻ kỷ niệm với những người Tuy Hòa và thỏa mãn một cái gì cho thú vui sáng tác của riêng mình.

Khi ngồi trong phòng thu âm nghe Hương Lan thu thanh bài hát , tôi ứa nước mắt vì cảm động và nhớ Tuy Hòa da diết. Thời gian đã qua, tất cả chỉ là kỷ niệm để nhớ thương mà thôi. Tôi chọn cô ca sĩ có giọng ca ngọt ngào nhất nước để hát bài Tuy Hòa Quê Anh ( CD Chiều San Francisco) và Chiều Lên Đồi Tháp nói về quê hương Tuy Hòa. Tôi chỉ tiếc là ba má tôi đã khuất núi không có dịp nghe hai bài hát này.

Đồi Tháp hay Núi Tháp , tôi vẫn phân vân giữa hai danh từ đó, cuối cùng chọn chữ đồi cho có vẻ thơ mộng hơn. Bạn có ý kiến nào hay không. Tháp Nhạn bây giờ xây mới lại làm mất vẻ cổ kính và rêu phong, tôi thật tiếc vì có  những thứ thời gian làm tăng giá trị như loại đồ cổ chẳng hạn, không có cái gì thay thế được. Người ta có thể xây hàng trăm cái tháp mới nhưng Tháp Nhạn cũ đó chỉ có một.

Khi đang viết bài này, một tin trên báo trong nước đăng rằng “ vào giữa tháng 12/1999, trên khu di tích lịch sử văn hoá núi Nhạn (thị xã Tuy Hoà) xuất hiện hai vết nứt, mỗi vết dài khoảng 50 mét, sâu 2 mét, đồng thời sạt lở núi cục bộ, một số nơi uy hiếp đến tính mạng và tài sản của 28 hộ đang sống dưới dưới chân núi.”

Một cái tin khác cũng làm tôi buồn là sắp tới khu nhà tôi sát bờ sông từ góc cuối đường Phan Đình Phùng chạy lên tới cầu bị giải tỏa bao gồm luôn cả tịnh xá Ngọc Phú. Như vậy là trong giấc mơ về Tuy Hòa trong tương lai hình ảnh ngôi nhà thơ mộng sẽ không còn. Ngồi nghĩ lại mình còn gì của phố nhỏ để thương nhớ. Phải chăng là mồ mả của ông bà cha mẹ, là ngọn tháp Nhạn? Bạn bè đã tứ tán phương trời, đất nước cũng đổi thay dâu bể. Chỉ là kỷ niệm như bài hát cất lên gợi ký ức làm việc vài phút giây cho cuộc đời phong phú.

Nói chuyện cùng nhạc sĩ Châu Đình An mới biết anh đã từng học trường Đặng Đức Tuấn, từng leo lên Tháp Nhạn ngắm cảnh thời niên thiếu, ba của anh là người Bắc nhưng làm công chức ở Tuy Hoà mấy năm. Nhạc sĩ Tùng Giang cũng kể chuyện thời mười mấy tuổi theo mẹ người miền Nam ở Tuy Hoà một khoảng thời gian thập niên năm mươi mấy lúc còn quân Pháp. Anh nhớ rõ cái Tháp Nhạn có nhiều khỉ, máy bay Pháp bắn sứt một mảnh trên đầu ngọn Tháp này.

Gặp vài người bạn cũ đồng hương Tuy Hòa ở xứ người trò chuyện. Trái đất bây giờ nhỏ bé trước phương tiện giao thông truyền tin nhanh chóng. Bao nhiêu chuyện đã trải qua trong cuộc đời. Lá rụng về cội, kỷ niệm Tuy Hòa thường xuyên trở về trong suy tưởng. Tuy Hòa hay Canada hay San Jose hay một nơi chốn nào hải ngoại cũng nằm trên quả đất , thật gần gũi qua điện thoại, màn ảnh truyền hình hay qua những chuyến bay mười mấy tiếng đồng hồ.

Thật ra phong cảnh phố Tuy Hoà rất nên thơ, chỉ vì chưa có nhà thơ , nhà văn hay nhạc sĩ nào ca ngợi để người xứ xa biết tới. Cái Tháp Nhạn là một di tích văn hoá rất giá trị và vị trí đặc biệt ngay giữa phố, bên sông, gần quốc lộ và cũng không xa biển. Nếu biết cách quảng cáo , đây là một thắng cảnh du lịch hấp dẫn luôn cả người người ngoại quốc.

Như mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng thành phố Qui Nhơn đã thu hút biết bao du khách khi ghé phố này nhờ vào báo chí thường nhắc nhở tới người thi sĩ tài hoa mất sớm.

Có những người ở Tuy Hoà hàng ngày nhìn Tháp Nhạn thấy tầm thường, nhưng đối với người xa xứ bên này hải ngoại hình ảnh đó rất dễ thương. Tôi đang nghe tiếng hát Hương Lan “ Giờ tôi xa đồi Tháp. Nắng hiu hiu nhạt màu. Bạn bè nơi mỗi đứa. Biết có còn gặp nhau ’’. Bạn đang đọc những giòng tâm tình của tôi và bạn đang ở xa Tuy Hòa, tôi tin rằng bạn cũng đồng ý rằng hình ảnh Tháp Nhạn sẽ không bao giờ phai mờ.

Đầu năm 2000, cuối năm Kỷ Mão

* Mời vào www.tranchiphuc.com để nghe bản Chiều Lên Đồi Tháp với giọng ca Hương Lan.

* Xin ghi bài thơ của ông chú, tả nỗi buồn khi Tháp Nhạn bị làm mới, mất đi nét đẹp  cổ kính.

CẢM HOÀI THÁP NHẠN NGUYÊN SƠ
Tùy Hoa

Tháp Nhạn nguyên sơ đẹp tuyệt vời
Oai phong lẫm liệt ngự bao đời
Ngồi yên thách thức cùng năm tháng
Đúng thẳng hiên ngang giữa đất trời
Bất chấp phong ba trời sấm sét
Khinh thường bom đạn đất lung lay
Đầy mình thương tích không nao núng
Tháp Nhạn nguyên sơ vẫn tuyệt vời

Tháp Nhạn ngày nay khéo vẽ vời
Chằm da vá thịt kiểu tân thời
Da tươi roi rói màu cà rốt
Thịt đỏ au au lửa mặt trời
Dáng dấp thiên thần đâu mất hết
Hình hài vũ nữ hiện ra thôi
Bức tranh vân cẩu sao buồn thế
Vẻ đẹp nguyên sơ biến dạng rồi