Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

VIẾT CHO NGÀY KỶ NIỆM 20 NĂM QUỐC TẾ CỨU VỚT THUYỀN NHÂN 20/7/1979- 20/7/1999

29 Tháng Bảy 20159:01 CH(Xem: 10096)
VIẾT CHO NGÀY KỶ NIỆM 20 NĂM QUỐC TẾ CỨU VỚT THUYỀN NHÂN 20/7/1979- 20/7/1999
Ngày 20 tháng 7 với tôi khó quên vì đó là ngày sinh nhật của một người bạn đặc biệt , người đó là người đầu tiên để ý tới ngày sinh tháng đẻ trong giấy tờ của tôi và tặng cho tôi món quà đầu tiên sinh nhật trong đời. Dĩ nhiên tôi cũng phải đáp lễ và tôi tìm ra một lý do để nhớ mỗi năm sinh nhật của nàng vì ngày đó cũng trùng ngày hiệp định Geneve 20/7/1954 ký bởi các cường quốc chia đôi đất nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải làm ranh giới, bên này miền Nam phe tư bản , bên kia miền Bắc phe cộng sản đánh nhau suốt 20 năm.

Tháng 4/75 miền Bắc thắng miền Nam thì cái hiệp định kia thành tờ giấy sọt rác và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương trong đó có tôi vì không chịu nổi sự cai trị của cộng sản. Lớp người đầu tiên di tản – cái danh từ thời đó dùng như vậy- được tàu Mỹ chờ sẵn đưa về xứ , còn sau đó những thuyền nhân phải tự lo tìm đường ra biển mong thoát đến bến bờ tự do trên những chiếc thuyền mong manh nhỏ bé.

Từ sau khi Sài Gòn thất thủ năm 75 cho đến thập niên 80 thì đề tài vượt biên là chủ đề chính cho hầu hết mọi người dân trong nước như câu nói nổi tiếng của một người nào đó “ nếu cột đèn biết đi thì nó cũng vượt biển”.

Trong cải lương có vở tuồng Thuyền Ra Cửa Biển thời chế độ cũ và vào hoàn cảnh này khán giả lại thích thú tìm ra ý nghĩa mới mà bàn tán. Người ta còn đồn rằng một nghệ sĩ danh tiếng hình như là Hùng Cường đã ngồi trong thùng phuy trôi ra biển nhờ tàu ngoại quốc vớt…

Miền Trung với bờ biển dài là nơi dân Sài Gòn muốn vượt biển ra thăm dò nhiều nhất. Tôi thì lựa Rạch Giá vì nghĩ rằng nếu bị bắt thì gia đình ở Tuy Hoà sẽ không bị rắc rối vì công an không biết. Trước đó nộp cho một tổ chức 5 cây vàng trong một chuyến đi bán chính thức dành cho người Việt gốc Hoa nhưng không thành. May còn 3 cây hùn với bạn bè mua ghe nhỏ và thành công.

Ông thầy dạy cho tôi môn bói Dịch gieo một quẻ động tới 5 hào và quẻ biến là Thiên Trạch Lý. Nghĩa của toàn quẻ là “dẫm lên đuôi cọp, cọp không cắn người”, đại ý là thoát, sự tin tưởng làm lên tinh thần trong một chuyến đi bất trắc.

Khi tôi từ chiếc xuồng nhỏ bước lên chiếc ghe dùng vượt biển đang đậu trên sông Rạch Giá lúc 10 giờ đêm thì mới biết là có một chiếc ghe lớn quốc doanh thả neo bên cạnh và có một người đàn ông đang đứng mũi thuyền hút thuốc trông thấy. Chiếc xuồng lại vào bờ để rước tiếp mấy người nữa và khi nó trở lại thì công an trên bờ biết và chuẩn bị chận bắt. Tôi nghe tiếng hô và tiếng súng , tên tài công giựt máy hoài mà không nổ, tôi sợ hãi, hoang mang nghĩ tới cái quẻ Dịch rồi niệm chú Quán Aâm để tìm sự an bình trong tâm.

May quá máy nổ và chiếc ghe chạy len vào giữa hàng trăm chiếc ghe thuyền đang đậu trên sông trong đêm tối, xa khỏi chỗ chận bắt rồi tắt máy để chờ tới sáng ra khơi như là một ghe đánh cá bình thường. Người tổ chức cũng là bạn vong niên là anh Đoàn Ngọc Đa bị kẹt lại trên bờ. Anh có nói với tôi là có mấy người cùng đi và anh chỉ nhận vàng lúc họ xuống ghe vì lỡ như mà công an bắt trước thì sau này sẽ không đủ can đảm trả vàng lại cho người ta. Câu nói đó thật đáng suy gẫm.

Chiếc ghe chở 21 người đi trong vòng 60 tiếng đồng hồ là tới Mã Lai, tôi ngồi trên ghe chứ không nằm dưới khoang, nhìn những đợt sóng khổng lồ tràn tới, ghe như là chiếc lá giữa đại dương mênh mông cứ đâm thẳng vào sóng mà lại không bị chìm thật lạ.

Khi nhìn thấy vài cánh chim hải âu bay lượn tôi chợt vui vì biết là gần tới bờ, hai dãi đất hiện ra, tôi bảo tài công ghé dãi bên trái chứ nếu bên phải là Thái Lan. Tôi nhớ là đón ông Táo ngoài khơi và lúc bắt đầu vượt biển là VN đang đánh Khờ Me đỏ và chiếm Nam Vang cuối năm 1978.

Nỗi buồn trại tị nạn nào hầu như cũng giống nhau, trại của tôi ở Kota Bharu rất nhỏ chừng vài trăm người. Vì không kịp mang theo chút đỉnh tài chánh nên thời gian ở đây rất không vui, có người bảo rằng thời gian trại tị nạn là nghỉ ngơi để trứơc khi bước vào quãng đời làm việc bận rộn của đời sống xứ người văn minh.

Ở ba tháng tôi được Canada nhận và đến thành phố Winnipeg vào ngày 10 tháng 4 năm 1979. Trời còn tuyết rơi, nỗi buồn xa xứ sâu sắc đó đã tạo cảm hứng để viết nên bài Chiều Winnipeg nghe man mác nỗi nhớ nhà.

Tháng 7/79 nghe tin tức và đọc báo thấy phong trào vượt biển của dân VN lên cao, danh từ “Boat People” được dùng đặc biệt để chỉ lớp lớp thuyền nhân không sợ hiểm nguy tìm đến xứ tự do. Tinh thần đó làm xúc động thế giới và vào ngày 20/7/1979 các nước đã họp nhau lại tại Geneve, Thụy Sĩ để tìm cách giúp đỡ và thu nhận người tị nạn. Sau cái ngày quốc tế thuyền nhân đó, những nước xa xôi như Na Uy, Đan Mạch…, ngay cả Do Thái cũng cho người tị nạn định cư chứ không riêng gì nước Mỹ hay Pháp có nợ tình nghĩa với VN.

Tôi còn nhớ thời đó mình rất hãnh diện là một thuyền nhân vì chứng tỏ sự liều chết và cũng như tố cáo với thế giới sự tàn bạo của Cộng Sản VN. Sau khi thắng miền Nam buộc Mỹ phải rút thì uy tín của họ lên rất cao nhưng thế giới ngỡ ngàng tại sao dân chúng cứ ào ào ra đi.

Trong hãng làm găng tay mà chủ là người Do Thái, ôâng già nói  là nếu tôi không là thuyền nhân VN thì đã đuổi rồi vì đầu óc tôi cứ lơ mơ chuyện quê nhà chuyện quá khứ mà tay chân chậm chạp làm việc.

Có câu hỏi đặt ra là thuyền nhân vượt biển vì lý do chính trị hay kinh tế. Câu trả lời là tuỳ theo trường hợp và cũng cả hai lý do trộn lẫn. Giữa thập niên 90 thì sự sốt sắng của thế giới phai nhạt, thuyền nhân trở nên gánh nặng và chính sách cưỡng bức hồi hương áp dụng. Có một điều là những người này đã được Mỹ nhận trở lại và đã định cư . Và thuyền nhân VN  trở thành một trang sử đặc biệt của thế giới trong vòng gần 20 năm từ 1975 trở đi. Làng người Việt ở Palawan Phi Luật Tân với sự chấp thuận của tổng thống Ramos và hội đồng giám mục công giáo Phi cùng sự đóng góp tiền bạc khoảng 2 triệu đô la của cộng đồng VN hải ngoại là một kỷ niệm đẹp đánh dấu phần cuối của giai đoạn thuyền nhân.

Phải ghi công của tổ chức Người Việt Tự Do gồm các sinh viên du học tại Nhật đã vận động hô hào thế giới giúp đỡ thuyền nhân, con tàu của hội y sĩ thế giới vớt người biển đông và San Jose với các buổi tổ chức chiến dịch “Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời” từng có tên là thủ phủ của tình thương cũng như biết bao buổi tổ chức văn nghệ khắp nơi gây quỹ giúp trại tị nạn. Thuyền nhân trở thành một mục đích cao đẹp trong nhiều hoạt động của cộng đồng.

Có bao nhiêu người đã vùi thây biển cả, con số chỉ ước lượng, những thảm cảnh và buồn vui vượt biển, trại tị nạn đã là đề tài chính của sinh hoạt nghệ thuật dân VN hải ngoại.

Cộng đồng hải ngoại được hình thành bởi lớp người vượt biển, sau đó mới có bảo lãnh, cưới vợ cưới chồng để đông đúc lên tới 3  triệu người khắp thế giới như hôm nay.

Tối hôm qua khi tôi mở miệng nói tới ngày kỷ niệm 20 năm quốc tế giúp thuyền nhân thì anh bạn Hùynh Quan Minh nói rằng anh nhớ ngày này vì lúc đó hội nghị có yêu cầu chính quyền cộng sản VN ngưng tổ chức đưa người Việt gốc Hoa đi bán chính thức và anh ta phải tìm cách đi chui. Và câu chuyện vượt biển của mỗi người trong cuộc họp mặt trở nên sinh động, người nào cũng say sưa kể lại kỷ niệm sống chết trong chuyến đi đổi đời này.

Nha sĩ Bùi Ngọc Tô cách đây mấy năm cũng đồng ý với tôi chọn ngày 20 tháng 7 như là một ngày kỷ niệm thuyền nhân cũng như cám ơn thế giới đã mở rộng vòng tay bác ái tiếp đón người vượt biển. Không cần phải làm lễ gì cho rườm rà, giống như lễ Thanksgiving của Mỹ tạ ơn trời đất và anh em sum họp ôn lại chuyện tị nạn chuyện đời mới trên xứ người.

Hai muơi năm trôi qua thật mau kể từ lúc tôi ngồi đọc tờ báo Dân Quyền ghi lại hội nghị thế giới cứu vớt thuyền nhân ngày 20 tháng 7 năm 1979. Hôm nay ngồi viết lại mấy dòng tưởng nhớ, cũng còn rất nhiều điều chưa nói hết , xin bạn bổ túc cho.

Khi đọc bài này, nếu bạn đã từng lênh đênh biển cả hay lây lất tháng ngày trại tị nạn  và bây giờ đang sống ở xứ người, xin bạn có thể dành chút thời giờ để thoải mái với kỷ niệm dù vui hay buồn. Ít ra cũng may mắn đặt chân thế giới tự do, cứ cám ơn trời đất mình còn sống, và mong bạn có được vài phút giây tự hào mình là thuyền nhân.

20-7-1999