Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

TÌNH CHA… LÀ RỪNG XANH BÓNG LỚN BAO CHE ĐỜI CON KHI YẾU LÒNG

29 Tháng Bảy 20159:02 CH(Xem: 10494)
TÌNH CHA… LÀ RỪNG XANH BÓNG LỚN BAO CHE ĐỜI CON KHI YẾU LÒNG
Trong những tác phẩm nói về tình cha có câu chuyện kể về danh nhân Nguyễn Trải lúc còn trẻ đã theo tiễn cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải đem về Tàu khi họ xua quân đánh chiếm nước ta. Ông theo tới tận ải Nam Quan, biên giới Trung Quốc và Việt Nam và trước khi chia tay vĩnh viễn, người cha đã nhắn nhủ người con đừng khóc lóc yếu hèn mà hãy trở về lo chuyện phục quốc để báo thù và cũng là cách duy nhất an ủi lòng cha trong chuỗi ngày tàn nơi ngục tù xứ lạ.Và sau này anh hùng  Nguyễn Trải đã giải toả được nỗi buồn sâu sắc đó khi ông làm quân sư cho minh chủ Lê Lợi mười năm kháng chiến chống quân Minh thắng lợi dành độc lập cho nước nhà.

Câu chuyện đó đã là nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm văn nghệ sau này và cũng làm tôi xúc động khi ngồi viết những dòng chữ nhân ngày Father’sDay. Hồi còn trung tiểu học, thầy giáo bảo tìm những câu ca dao, danh ngôn nói về công ơn cha và hình như theo năm tháng tuổi đời chồng chất tôi cũng chỉ có vốn liếng mấy câu như “ Còn cha gót đỏ như son , đến khi cha chết gót con đen xì ”, hay “ Con không cha như nhà không nóc”, “ Công cha như núi Thái Sơn” ,chỉ khác có một điều là cảm nhận về mối tình đó đậm đà hơn.

Trong gia đình Việt Nam ngày xưa, thường người cha lo kiếm tiền bên ngoài nuôi cả nhà, nghiêm khắc và có khi dùng roi vọt để dạy dỗ con cái nên có thể sau này khi nhắc tới cha một số người vẫn dành cho mẹ nhiều cảm xúc dịu dàng hơn.

Tuy nhiên có vở tuồng cải lương Tiếng Hạc Trong Trăng rất hay đoạt giải thưởng của nền sân khấu miền Nam trước đây, trong đó vai tướng cướp Thy Đằng(Thành Được đóng) đã tặng cặp mắt để chữa sáng cho đứa con gái mù(Thanh Nga đóng) tìm lại được sau khi bị thất lạc từ nhỏ. Nỗi sung sướng của một tên tướng cướp khi làm được một việc tốt cho con mình rồi âm thầm bỏ đi không cho đứa con biết người tặng là cha ruột để lại trong lòng khán giả một cảm xúc đặc biệt. Đó là cái hay nhất của vở cải lương và suốt trong một đời ca diễn của nghệ sĩ Thành Được, vai đó ông đóng xuất sắc nhất.

Trong câu chuyện huyền sử của dân tộc VN, Lạc Long Quân giống Rồng lấy bà Aâu Cơ dòng Tiên đẻ ra trăm trứng nở ra trăm con . Năm chục con theo mẹ lên núi thành dân sơn cước, năm chục con theo cha xuống biển thành dân miền duyên hải chúng ta hôm nay. Nếu khởi đầu làm lại huyền sử, bây giờ thăm dò ý kiến mọi người, không biết có bao nhiêu phần trăm theo cha hoặc theo mẹ.

Hai năm trước trong mục tâm tình thính giả gọi điện thoại vào đài phát thanh bày tỏ cảm nghĩ về cha nhân mùa Father’s Day, có hai người nói làm tôi khó quên. Một người khóc kể lại cha mình bị chết trong tù cải tạo Cộng Sản, một người bảo mỗi lần quét nhà lại nhớ lời dạy của cha là quét chổi theo chiều gió.

Luật pháp Hoa Kỳ bây giờ gắt gao đòi tiền cấp dưỡng con từ người đàn ông khi hai vợ chồng ly dị, điều này rất đúng. Ngoài bổn phận chia xẻ trách nhiệm với người mẹ trên phương diện vật chất thì về mặt tinh thần cũng tạo nên một ít tình cảm thiêng liêng giữa cha và con. Trong tương lai cứ đến “ Ngày Cha”, những đứa con thế hệ mai sau cũng phải nghĩ tới người đã đóng góp tài chánh để nuôi nó và điều luật dù có kẻ cho rằng bị lạm dụng quá đáng cũng giúp người cha làm tròn bổn phận, để rồi một lúc nào đó già đi bỗng thấy truyền nhân của mình lớn lên trong xã hội mà cảm thấy vui vui.

Trong nền tân nhạc VN có ít những bài hát nói về cha, trong khi đó về mẹ thì rất nhiều. Có lẽ tình mẫu tử dịu dàng hơn chăng hay hình ảnh người mẹ vẫn thường gần gũi với con đặc biệt là những đứa con trai mà sau này lớn lên trở thành nhạc sĩ viết thành những ca khúc xưng tụng lòng mẹ.

Nếu có nhiều nữ nhạc sĩ sáng tác thì có lẽ nhiều ca khúc ngợi ca ơn cha đã xuất hiện trong làng ca nhạc, câu nói dân gian con trai thương mẹ, con gái thương cha có phần nào đúng.

Có người bạn gái thời tuổi trẻ bảo rất thương cha, một ngày nàng đem đến bản nhạc Tình Cha của nhạc sĩ Y Vân nhờ tập hát, cho đến bây giờ gần ba chục năm tôi vẫn còn nhớ mấy câu: “Thương con trong những khi sai lầm, người đến bên vỗ về, dịu dàng xoa trên mái tóc…”.

Và hình như có một dạo tôi thương ba tôi hơn má tôi. Ngày tôi còn nhỏ, cha hay vắng nhà vì đi làm ăn xa, những lần ông về là mang quà, cho tiền và những bữa cơm cũng thịnh soạn hơn, căn nhà trở nên ấm cúng vì có thêm một người kể chuyện phương xa, bạn bè thăm viếng.

Có đôi lần bị bọn trẻ hàng xóm bắt nạt, những lúc đó tôi thèm một bóng dáng vững chải của người cha che chở nhưng ông mãi tận tỉnh nào đó vì công việc.Oâng không có nhiều thì giờ để dạy dỗ con cái, mỗi lần ông trò chuyện cùng người khác là tôi hay ngồi bên cạnh nghe và “thày lay” tức ngứa miệng chen vào chuyện người lớn và hay bị mẹ tôi la rầy.

Cái thú nhất của tôi là được mẹ sai đi kiếm cha tôi mê đánh cờ quên cả về nhà cơm nước. Một vài tay cờ bạc chuyên nghiệp chỉ chờ cha tôi tìm đến để nộp tiền vì ông không giỏi cờ tướng.Tôi nhớ có người chấp ông con xe nhưng huề thì ông thua, người chấp cặp ngựa “tạ” chốt đầu và nếu tính tổng số tiền ông thua cờ tướng trong đời thì mua được căn nhà mà gia đình tôi đang ở.

Có lần tôi thấy người kia lựa lúc cha tôi lo châm điếu thuốc bèn đi cờ bằng hai ngón , ngón trỏ thì đẩy con ngựa đồng thời ngón cái cùng đẩy con chốt lên một nước, tôi la lên, hai bên cãi nhau nhưng rồi vẫn tiếp tục ván cờ vì cái thú đam mê cờ của ông.

Thỉnh thoảng ông đưa tiền sai tôi mua gói thuốc hay thức ăn và dĩ nhiên là tôi giữ luôn phần tiền thối lại, vừa làm khán giả ủng hộ cờ tướng vừa có tiền thì còn gì thích bằng.

Thời gian xa vợ con nhiều nhưng ông không dính vào chuyện lăng nhăng tình cảm, đó là điều mà tôi hãnh diện về tính chung thủy của một người đàn ông đẹp trai và cũng có chút tài văn nghệ. Hình như trong đời tôi chỉ bị cha tôi đánh đòn có một lần nhưng rất nhẹ, cái đó cũng đáng đem ra khoe với bạn bè.

Khi rời Tuy Hoà đi học xa thì mối quan hệ giữa cha con trở nên thắm thiết qua những lá thư. Chữ của ông nắn nót, và ông thích viết những lời dặn dò hơn là bằng lờiø nói.

Cho đến khi tôi vượt biển qua tới hải ngoại này thì những lá thư vẫn cố gắng vượt trùng dương, bằng nhiều cách để tới tay đứa con trai mà ông vẫn coi là còn bé bỏng như thuở nào. Thời thập niên 80 chưa có điện thoại về VN, thư tín từ Mỹ có dạo không đến người nhận ở quê nhà, chỉ có Aâu châu hoặc Canada là dễ dàng.

Tôi còn nhớ trước chuyến đi rời xa đất nước, ông dẫn tôi đến xem bói và người ấy nói một câu rằng sau này cậu có trở về thì gặp được mẹ nhưng không thấy được cha và điều đó trở thành sự thật.

Khi nhận được tin cha bệnh nhưng không nhận được thư ông, tôi biết là tình trạng nguy ngập, không trở về thăm được vì nhiều lý do hay vì định mệnh dù lúc đó là năm 1989 tình trạng đi lại dễ hơn.

Những giờ phút hấp hối, đau đớn vì bệnh ung thư phổi, có lẽ vì hút nhiều thuốc lá, ông vẫn nhắc tên tôi và mong là tôi có bên cạnh trong lúc lâm chung. Khi được tin cha mất, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ tôi đã viết lên bài hát Tình Yêu Cha. Bài hát ngắn nhưng chứa đựng nỗi niềm riêng. Khi tìm người hát bản này tôi gặp ca sĩ Mỹ Huyền lúc đó mới VN sang chưa nổi tiếng như bây giờ và cô đồng ý. Cô nói rằng có rất ít bản nhạc nói về cha và cô cũng muốn hát bài này để tặng cho cha cô là nhạc sĩ Thu Hồ, tác giả bài hát Quê Mẹ lừng danh.

Ít ra là cũng có một người chia xẻ cảm xúc về tình cha trong tác phẩm của mình, nhạc đệm rất rộn ràng có vẻ như ngược lại với lời lẽ thiết tha của bài hát. Anh bạn hoà âm là Đặng Xuân Thìn cười bảo nếu ông già nằm dưới mộ nghe được phải thức dậy, tôi đáp thì càng hay chứ sao.

Ngày kỷ niệm Father’sDay viết về cha mấy dòng, ai bảo người Mỹ không có phong tục hay.

Cho tôi kể lể mấy điều riêng tư và nghĩ rằng ai cũng có cha và tình cảm đẹp đó đáng trân quý. Cho tôi được nghe những kỷ niệm dễ thương về mối tình cha con của bạn, nghe để lòng dịu dàng hoà vào cảm giác ngất ngây thấy mình lúc nào cũng là đứa bé thơ ngày nào đưọc cha dạy bảo. Mời bạn nghe mấy câu hát để nhớ về song thân : “Nếu tình mẹ là đại dương bát ngát, là dòng sông tắm mát hồn con, thì tình cha cao như ngọn núi, là rừng xanh bóng lớn bao che đời con khi yếu lòng”.

FATHER’S DAY 1999
\
* Quí vị muốn nghe bản Tình Cha với giọng ca Mỹ Huyền, xin vào www.tranchiphuc.com.