Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

BIỂU TÌNH RA MẮT SÁCH HỒI KÝ PHẠM VĂN LIỄU TẠI SAN JOSE

30 Tháng Bảy 20159:18 CH(Xem: 14291)
BIỂU TÌNH RA MẮT SÁCH HỒI KÝ PHẠM VĂN LIỄU TẠI SAN JOSE
Trong lịch sử sinh hoạt của cộng đồng người VN tại Bắc Cali, có rất nhiều buổi ra mắt sách suốt hơn hai chục năm qua, có buổi thất bại vì ít người tham dự, có buổi thành công với số lượng khán giả tham dự đông đảo và bán được nhiều sách. Có buổi tẻ nhạt vì chẳng có tiết mục nào hào hứng từ tác giả cho tới nội dung cuốn sách cũng như chương trình văn nghệ phụ diễn. Nhưng cũng có buổi gây cấn vì bản thân tác giả xuất hiện đã gây nên một sự tranh cãi. Thí dụ như cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến nói chuyện tại khách sạn Mariott Hotel ở Sunnyvale cách đây hơn mười năm đã có hàng trăm người biểu tình trong đó có cả nghệ sĩ Hùng Cường bay từ Nam Cali lên, họ phản đối vì cái tội của ông Thiệu đã làm mất miền Nam đâu còn tư cách gì để nhìn lại dân chúng chứ chưa nói tới việc trở lại chính trường.

Trước đó tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ra mắt cuốn Bí Mật Hồ Sơ Dinh Độc Lập tại nhà hàng Maxim( nay là Flourish Gardens) ở trên đường Monterey cũng tạo nên không khí căng thẳng.

- Tuy nhiên ra mắt sách mà có biểu tình chống đối thì lần đầu tiên tại San Jose là trường hợp cuốn hồi ký của cựu đại tá Phạm Văn Liễu với tựa đề Trả Ta Sông Núi. Có khoảng hăm mấy người là cựu cảnh sát VNCH cầm cờ tới đả đảo kêu ông ta bôi nhọ chính nghĩa quốc gia, đưa khẩu hiệu “ Phạm Văn Liễu ăn cháo đá bát”, có kẻ nặng lời gọi ông là “ Việt gian”. Người biểu tình phát tờ truyền đơn có trích ra những câu trong cuốn hồi ký với ghi chú số trang. Người quản lý của rạp Le Petit Trianon chẳng hiểu lý do thấy la ó ồn ào chạy ra bảo không được gây náo loạn. Cảnh sát đựợc kêu tới cũng chẳng hiểu tại sao một cựu sĩ quan cao cấp ra mắt sách mà rồi cũng bị biểu tình.

Người biểu tình và khách tới tham dự đều quen biết nhau. Ba Vân, biệt hiệu của một cựu lính không quân, kinh doanh ngành xe bán thức ăn trưa, từng ủng hộ và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Cộng, lần này lại là một trong những người giúp đỡ cho buổi ra mắt sách về giải khát. Ông ta mua cuốn sách rồi ra tranh luận với người biểu tình, giở từng trang sách tìm kiếm những dòng chữ, rồi kết luận rằng phe biểu tình đã trích dẫn không hợp lý, lấy câu đầu của một đoạn văn rồi ghép với câu giữa đoạn để rồi kết tội Phạm Văn Liễu bôi nhọ quân đội VNCH.

Cựu trung tá Lâm Sanh Kim, cũng là một người hăng hái biểu tình trước đây, đi tham dự ra mắt sách cũng ngao ngán cho rằng đã lạm dụng quyền biểu tình, biểu tình nhiều quá sẽ nhàm. Một số ý kiến cho rằng nếu ai không đồng ý tác giả thì cứ viết bài đăng báo hay vào trong rạp tranh luận với ông ta.

- Cái tên Phạm Văn Liễu đựợc chú ý chẳng phải vì chức vụ đại tá VNCH hay là chức Tổng Giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia hay đã tham gia vào vụ đảo chánh TT Ngô Đình Diệm năm 1960 cùng với tướng nhảy dù Nguyễn Chánh Thi mà là vì ông ta là nhân vật số hai cùng với nhân vật số một là đề đốc Hoàng Cơ Minh của tổ chức gọi là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng VN đã tạo nên một cao trào ở hải ngoại suốt thập niên 80. Qua phiên tòa tại San Jose cuối năm 1994 xử vụ Mặt Trận kiện các tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong, Cao Thế Dung và Nguyên Vũ về vụ vu khống Mặt Trận giết vợ chồng ký giả Lê Triết, cựu đại tá Liễu tức Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại Trần Trung Sơn đã ra toà đứng về phe báo chí, vạch rõ những nội tình của tổ chức này.

Ông ta bảo là đã ở ẩn, không tham gia chuyện thị phi nữa. Cách đây mấy năm ông Liễu bị tai biến mạch máu não tại Paris,phải nhờ nữ bác sĩ Nguyệt Meilert từ San Jose sang Pháp đưa về Mỹ, và từ đó ông ngồi xe lăn và tay trái bị liệt.

Ông viết hồi ký, không chỉ một cuốn mà là tới ba cuốn chia làm ba giai đoạn lịch sử, cuốn một từ niên thiếu cho tới lúc đảo chánh, cuốn hai từ 1963 cho tới 1975 và cuốn ba từ 1975 tới 1985. Có lẽ cuốn ba nói tới giai đoạn thành lập Mặt Trận là cuốn mà nhiều người mong đợi nhất vì ông Liễu là người biết nhiều nhất qua khúc quanh lịch sử này.

- Kẻ thức giả cho là ông Liễu tham quá thay vì viết một cuốn lại kéo dài tới ba cuốn, có thể là vì lý do thương mại chăng? Đọc qua cuốn đầu thì thấy ông dài dòng về một số chi tiết không cần thiết, về những người bạn vô danh của ông, về những sự kiện lịch sử đã được nhiều người viết trong sách vở, và có thể những sự kiện mà ông ta chỉ nghe kể lại hay đọc chứ không hề trải qua.

Có kẻ nghi ngờ rằng có những đoạn  không do ông viết mà có người chấp bút thế cho ông vì văn phong có thay đổi.

Cái tựa đề Trả Ta Sông Núi cũng là một yếu tố thời thế mang tính thương mại vì đang có chuyện Hà Nội cắt đất dâng biển chứ cuốn hồi ký của Phạm Văn Liễu chẳng có liên quan gì tới, nó chỉ là hồi ký như những cuốn hồi ký chính trị khác. Đó cũng là lý do đài Quê Hương đã tích cực quảng cáo cho cuốn sách trước cả tháng rồi khi đọc được sách thì hỡi ôi có chuyện chống đối. Giáo sư Nguyễn Châu đi tham dự đã phàn nàn với kẻ đồng hành rằng cái tựa sách đã đánh lừa độc giả. Chuyện thương mại mà, có nói thêm, có nổ một tí cũng là chuyện đời thường. Phạm Văn Liễu có tài nói, nếu không thì đã không dựng nên chuyện chiến khu quốc nội giải phóng VN.

- Có nhiều khuôn mặt đấu tranh quen thuộc tham dự, đa số là bạn bè tác giả, có một số cựu đoàn viên Mặt Trận thuộc cánh ông ta năm cũ, một vài người nghe tiếng tăm ông.

Trong số các diễn giả thì giáo sư Nguyễn Văn Canh khôn ngoan phát biểu chung chung rồi bỏ về sớm, luật sư Đỗ Doãn Quế thì nói lạc đề cứ lo bào chữa chuyện cuốn sách bị biểu tình. Và tác giả thì tuổi già bắt đầu lẩm cẩm, nói dai, nói dài, cứ lặp lại ý tưởng, không chịu soạn bài trước, làm mất đi cái cảm tình tốt đẹp của khán giả đã nể trọng ông ta trong quá khứ.

Phần vấn đáp lẽ ra không cần thiết vì đa số khán giả đến mua sách chưa đọc sách làm sao mà có ý kiến phê bình tranh luận. Chuyện xảy ra nữa thế kỷ, có mấy ai đã từng trải qua có mặt trong rạp để mà hỏi tác giả. Có lẽ chuyện Mặt Trận là còn nóng hổi. Đề nghị tác giả gom hai cuốn sắp xuất bản thành làm một, chỉ nên viết những gì mình trải qua và thật cô đọng chính xác. Lần xuất quân tại San Jose này chắc là lần cuối cùng. Cứ mỗi lần xuất hiện là Phạm Văn Liễu gây sôi nổi như cuộc đời của ông trong quá khứ. Cuốn sách đã có những đoạn nói thẳng và không khéo léo đã gây mất lòng tạo nên cuộc biểu tình nho nhỏ. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy sách sẽ bán chạy, mặc dù giá trị chỉ là mức trung bình. Còn hi vọng ở cuốn sau, tác giả sẽ trau chuốt, cô đọng ngôn ngữ và thành thật với chính mình hơn để cuốn hồi ký Phạm Văn Liễu xứng đáng được nhiều người tham khảo.

– Tàn cuộc, còn lại dăm ba tên ký giả bàn chuyện hậu. Cũng là những khuôn mặt quen thuộc như Du Phong cựu quận trưởng, trung tá Nguyễn Mộng Hùng, cựu cò quận nhì Sài Gòn từng đưa tiễn tướng Thi và tá Liễu qua Nam Vang lưu vong, Lê Bình tức Mười Chuối đang viết cho VNTD, Lê Phong, Trung một thành viên cũ của Thanh Niên Quốc Gia có Website khá phổ biến, Thư Sinh Phạm Tài Tấn và vài người trong nhóm biểu tình nán lại. Tất cả đều công nhận là buổi ra mắt coi là dzui vì sôi nổi nhưng không mất hòa khí đến đổi tệ hại lắm. Hai chục năm đã trôi qua trên San Jose, có những tên đã mất, có những tên cũng còn sót lại và chứng kiến nhiều thay đổi của cộng đồng. Nhưng ngày chủ nhật này 21 tháng 7 đáng nhớ là chuyện ra mắt sách được biểu tình. Ngày này cũng gần ngày ký hiệp định Geneve chia đôi VN, 20 tháng 7 năm 1954, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Nhưng lịch sử rồi cũng qua đi, lớp trẻ có mấy ai nhớ tới. Chuyện đất nước rồi sẽ ra sao?

25-07-2002