Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ: NHỮNG ĐIỀU CHƯA MÃN NGUYỆN

30 Tháng Bảy 20159:13 CH(Xem: 14712)
NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ: NHỮNG ĐIỀU CHƯA MÃN NGUYỆN
Ba năm trước, tôi có ý muốn viết về dòng nhạc và con người nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhân cuốn video Thúy Nga thứ hai thực hiện chủ đề về ông, một tác giả lớn của làng âm nhạc Việt Nam. Nói chuyện qua điện thoại cả giờ và mấy ngày sau tôi nhận được cuốn sách “ Hoàng Thi Thơ – 50 năm văn nghệ” do ông gởi tặng.

Trong cuốn sách này có rất nhiều hình ảnh sinh hoạt văn nghệ của Hoàng Thi Thơ từ thời trẻ cho đến hiện tại và một số bài viết nhận xét của bằng hữu về ông, coi như là một tài liệu đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu con người đa tài này.

Xét về lãnh vực sáng tác ca khúc thì ông có mấy chục bài nổi tiếng trong hơn 300 bài đã sáng tác trải dài qua nhiều thể chủ đề quê hương, tình yêu và nhiều góc cạnh của cuộc đời. Những bài hát đượm nét dân ca rất được phổ biến và ưa chuộng của Hoàng Thi Thơ như : Gạo Trắng Trăng Thanh viết năm 1954( Ai đang đi trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê, vô đây em dù trời khuya anh sẽ đưa em về…), Duyên Quê( Cô gái vườn quê, dầm mưa dãi nắng, cuộc đời trong trắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm…) , Trăng Rụng Xuống Cầu (1956) (Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái…). Riêng bài Gạo Trắng Trăng Thanh được coi là đắc ý nhất của tác giả viết nhân một cảm hứng về một đêm trăng sáng, trai gái trong làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, Quảng Trị tụ họp lại trong sân rộng nhà của cha ông, họ giã gạo, hát hò tình tứ với nhau rất thơ mộng.

Bài Đường Xưa Lối Cũ (1955) tác giả viết từ hoàn cảnh thật khi về thăm nhà thì mẹ đã qua đời và người em gái ruột thịt đã đi lấy chồng:“ Khi tôi về ngẹn ngào trong nắng, tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về…” Đoạn này dòng nhạc từ cung D chuyển sang cung tương đối thứ Bm nghe rất buồn và tự nhiên làm rung cảm lòng người.

Ngoài những ca khúc giá trị Hoàng Thi Thơ có sự đóng góp rất độc đáo cho làng ca nhạc, đó là những vở nhạc kịch của ông như Từ Thức Lạc Lối Bích Đào, Dương Quý Phi, Cô Gái Điên , Ả Đào Say. Phải có kiến thức về âm nhạc, về thơ văn, về lịch sử và một đam mê mãnh liệt mới thực hiện được các nhạc kịch này. Chính những vở nhạc kịch  đã tạo một vị trí đặc biệt cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vì trước và sau ông chưa có người thứ hai làm như vậy.

Con nguời nghệ sĩ của ông không chỉ dừng lại ở sáng tác mà còn thành lập cả đoàn văn nghệ lớn mang tên Đoàn Văn Nghệ Việt Nam đi trình diễn cả nước ngoài, ông còn kết hợp với Trịnh Toàn và Lưu Hồng để tạo ra những màn vũ, ông còn đạo diễn phim nữa.

Năm 1953 lúc mới chỉ 24 tuổi ông đã soạn cuốn sách “ Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” rất công phu viết về hoà âm và các luật sáng tác dày 500 trang , khổ lớn xuất bản 1955 và tái bản nhiều lần. Cuốn sách đã giúp rất nhiều người bước vào con đường viết ca khúc.

Khi VNCH mất vào tháng 4/75 lúc đó ông cùng đoàn văn nghệ đang trình diễn tại Tokyo Nhật bản và từ đó cuộc đời lưu vong bắt đầu. Câu hỏi cuối cùng mà tôi đặt cho ông là mặc dù rất thành công trên cuộc đời nghệ thuật đóng góp cho nền văn hoá nước nhà nhưng chắc chắn mỗi người đều có những điều gì đó chưa mãn nguyện thì nhạc sĩ  Hoàng Thi Thơ trả lời là ông tiếc cho là miền Nam thất thủ lúc ông mới 44 tuổi. Ở tuổi tứ tuần này sức sáng tác của ông vẫn còn phong phú, nếu còn ở trên quê hương thì sẽ có thêm nhiều tác phẩm giá trị khác ra đời.

Trong khi viết bài tưởng nhớ Hoàng Thi Thơ, một người đàn anh văn nghệ, một người quen chỉ thấy trên hình ảnh sân khấu và chỉ nói chuyện qua điện thoại tôi có hỏi thăm nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Thi Thao cháu kêu ông bằng chú qua đường dây viễn liên thì anh Thao nói rằng ước nguyện chưa tròn của ông là muốn thực hiện lại các vở nhạc kịch. Anh Thao cho rằng rất khó vì vấn đề diễn viên, người đó phải biết ca hay và phải biết diễn xuất chưa kể tới nhiều thứ khác. Chỉ có thể làm được một cách hoàn hảo là khi đất nước thực sự hoà bình tự do, các vở nhạc kịch đó đem về VN dựng lại, có diễn viên giỏi, có khán giả đông đảo và các chi phí rẻ.

Những bài trường ca lịch sử của ông như Triều Vui Thế Hệ(1955) Máu Hồng Sử Xanh(1955) Ngày Trọng Đại(1956), Tiếng Trống Diên Hồng(1963) rất cần phổ biến lại cho các thế hệ bây giờ và mai sau để nuôi sống tình yêu đất nước của tuổi trẻ hải ngoại lẫn trong nước.

Nghe tin ông qua đời, tôi cầm đàn hát nghêu ngao cho vài đứa bạn nghe những bài ca của Hoàng Thi Thơ từ : “Ai đang đi trên cầu Bông té xuống sông ướt cái quần ni lông” cho đến “ Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em một lần cuối ” và có người nghe tôi hát mới biết ông là tác giả một số bài mà họ thích từ lâu.

Lúc còn sống ông vẫn phong độ trong y phục chỉnh tề, vẫn hoà nhã duyên dáng trong lời nói và khi lâm bệnh ông vẫn còn đi đứng xuất hiện trong sinh hoạt nghệ thuật và ông đã ra đi trong giấc ngủ êm đềm tại tư gia, quả thật ông rất hạnh phúc.

Gọi ông là nhạc sĩ lớn điều đó quả là hiển nhiên, đối với quan niệm của tôi nhạc sĩ lớn phải có những dòng nhạc chuyên chở tình yêu quê hương và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đóng góp rất nhiều trong lãnh vực này.

Không hiểu sao tôi lại nghêu ngao mấy câu hát trong bài Một Lần Cuối khi nghĩ về ông: “ Anh nắm tay em, anh nắm tay em, một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi…” Sự lặp lại các câu nhạc ngắn và thường chuyển sang nốt quãng bốn vẫn là sở trường của Hoàng Thi Thơ để dễ nghe dễ hát và dễ nhớ từ đó đi vào lòng người thưởng thức.

Thế là những nhạc sĩ của một thời tiên phong âm nhạc VN đã lần lượt ra đi, để lại luyến tiếc không chỉ riêng về người tác giả mà cả một thời quá khứ. Dù sao ôngï đã có một thuở vàng son văn nghệ trên quê hương ấm áp đâu phải kiếp sống lưu vong trên xứ lạ mà lớp người nghệ sĩ đi sau đang chịu đựng hẩm hiu. Sự nghiệp âm nhạc đó dồi dào và thưa nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ những điều mà ông chưa mãn nguyện  vẫn là những khát vọng nghệ thuật vô cùng và cao đẹp.

San Jose 27/9/01