Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

GIÃ TỪ 2004 CHÀO 2005 - Trần Củng Sơn

28 Tháng Bảy 20159:29 CH(Xem: 10212)
GIÃ TỪ 2004 CHÀO 2005 - Trần Củng Sơn
Buổi sáng ngày cuối năm trời San Jose nắng đẹp. Mặt đường lóng lánh nước đọng từ những cơn mưa mấy hôm trước. Thời tiết loan tin mưa bão sẽ kéo về đêm nay và làm u ám bầu trời những ngày đầu năm dương lịch. Trên TV, hình ảnh trận sóng thần hôm chủ nhật 26-12-04 làm chết hơn trăm ngàn người ở các nước Nam Dương, An Độ, Srilanka, Thái Lan… và mấy ngàn du khách từ phương Tây đến, gây chấn động thế giới, trở thành sự cố nổi bật nhất của năm cũ sắp tàn, lây lan bầu không khí không mấy gì vui cho năm mới đang đến. Thiên tai xảy ra nhắc cho nhân loại biết cái quyền uy của tạo hóa, việc phá hoại môi trường sinh sống tác hại trở lại đời sống con người, làm dịu những xung đột hận thù và nảy sinh những mối thương cảm để tâm bác ái từ bi hiển lộ qua công tác cứu trợ nạn nhân. Nhìn lại mười hai tháng qua, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2004 giữa nghị sỹ Kerry Dân Chủ và đương kim tổng thống Bush Cộng hòa gây cấn, tốn kém tiền bạc nhất trong lịch sử và khó mà đóan trước được kết quả. Yếu tố bảo tồn những giá trị truyền thống xã hội liên quan tới tôn giáo, phá thai và đồng tính luyến ái đã đóng vai trò quan trọng hơn chuyện chiến tranh, kinh tế và đã khiến số lớn cử tri thầm lặng bảo thủ dồn phiếu cho đảng Cộng hòa để đảng này thắng tại hạ viện và thượng viện cùng chiếc ghế tổng thống hơn đối thủ cả khỏang 3 triệu phiếu bầu. Ai bảo là nước Mỹ phóng khoáng đều lầm, những chiến lược gia của đảng Dân chủ đều ê chề trước trận đại bại. Mặt trận Iraq vẫn chưa yên bình, khói lửa chết chóc vẫn lan tràn trên quê hương của câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Tên trộm thành Bá Đa”. Nạn khủng bố vẫn là mối ưu tư của nhiều quốc gia Au châu, Nga và một số nước có tín đồ Hồi giáo. Chuyện nước Mỹ với giá trị đồng đô la sụt giảm, với viễn tượng nền kinh tế chưa gì sáng sủa, và riêng vùng Bắc Cali với thung lũng điện tử nổi tiếng một thời thịnh vượng, tạo công ăn việc làm cho đa số đồng hương VN đã trở thành quá khứ. Nhiều sô ca nhạc hầu như tuần nào cũng có ở San Jose vẫn là hiện tượng đặc biệt của năm 2004. Phải chăng dân Việt ở đây vẫn còn giàu có, thích giải trí ca nhạc nên một tấm vé vài chục đô có thấm thía gì. Nhìn về trong nước, con số thống kê chính thức cho thấy khỏang 4 tỉ đô la do Việt kiều gởi về giúp thân nhân. Trên thực tế có thể gấp đôi do người hải ngọai mang tay về và qua những đường giây chuyển tiền kín đáo. Với số ngọai tệ to tát đó đã là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế mất cân đối còn đứng vững. Và cũng từ đó nhà nước cần phải đưa ra những chính sách chiêu dụ Việt kiều đầu tư, gởi thêm tiền để cứu giúp nhân đạo. Một chuyên gia trong nước đã nhận định rằng quốc tế coi VN là một quốc gia không muốn phát triển, tự dựng lên những rào cản cho chính mình. Câu nói ấy thật đáng suy gẫm. Hố ngăn cách giữa đám cán bộ tham nhũng và những con buôn thời cơ giàu có so với đa số dân nghèo càng ngày càng lớn. Một thanh niên sinh ra ở Mỹ về thăm quê cha đất tổ thấy là người trong nước sống không nghĩ tới tương lai và vấn đề đạo đức trở nên suy đồi trầm trọng. Năm 2004 chuyện mấy cô gái Việt bị đem lên bán đấu giá trên Internet ở Đài Loan đã làm xúc động hải ngọai. Có khỏang 100 ngàn thiếu nữ qua xứ này bằng diện cưới chồng vàbáo chí cùng nhiều nhân chứng cho thấy có tới mấy chục phần trăm bị ngược đãi hành hạ làm con ở, làm nô lệ tình dục cho ngọai nhân. Đất nước làm sao để con gái đều muốn ra đi dù tương lai xứ lạvẫn là dấu hỏi mịt mờ. Mỗi năm có khỏang 300 ngàn Việt kiều về thăm quê hương, tiêu xài mỗi người vài ngàn đô la cũng thúc đẩy phần nào nền kinh tế. Nhưng càng tìm hiểu những vấn nạn của dân tộc thì càng cảm nhận sâu sắc rằng tập thể cộng đồng người Việt hải ngọai phải cố gắng gìn giữ bản sắc của mình đừng để nhà nước độc đảng Cộng sản đồng hóa, thu phục. Bản sắc đó là giữ gìn và phát huy những truyền thống cao đẹp của dân tộc, là tinh thần tự do, dân chủ và nhân bản, là cất cao tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền bất lực tham nhũng trong mục đích làm lợi ích cho đồng bào đất nước VN. Nhìn tới năm 2005, 30 năm kể từ ngày Sài Gòn thất thủ và mở ra kỷ nguyên cộng đồng người Việt hải ngoại. Thoáng bồi hồi, thời gian bay vèo, những đau thương của dân tộc đã chịu đựng cần phải giảm bớt. Đọc mấy tiểu luận của chàng trung niên Đỗ Nam Hải bút hiệu Phương Nam đưa những suy tư về đất nước. Sống trong chế độ độc tài mà dũng cảm phát biểu như thế thật cảm phục. Chợt hứng khởi về một niềm tin đấu tranh của thế hệ tương lai. Giã từ năm 2004, trời đã tối, ngày cuối năm sắp hết, thiên hạ chuẩn bị chào đón năm 2005. Ngày mồng một đầu năm nhằm thứ bảy cho cơ hội nhàn rỗi nghĩ về năm cũ và thêm một ngày chủ nhật chuẩn bị cho 365 ngày làm việc sắp tới. Hát lại câu ca của bản Chào Em Năm 2000, ” Chào em năm 2000, đất nước vào Xuân, đường đi tới vẫn đầy cam go, ngàn năm mới ước mơ dâng tràn, sông núi vững bền, no ấm đời đời.” Đất nước Hoa Kỳ quê hương thứ hai vẫn là nơi dung thân no ấm còn VN đất mẹ chuyện ấm no cho mọi người vẫn là ước mơ. Ước mơ và hy vọng nhuốm đẹp cho giây phút giao mùa 2004 và 2005.

Cuối năm 2004