Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

CÁM ƠN TẤM LÒNG THẾ GIỚI

28 Tháng Bảy 20158:05 CH(Xem: 15564)
CÁM ƠN TẤM LÒNG THẾ GIỚI
CA KHÚC KỶ NIỆM 30 NĂM QUỐC TẾ CỨU THUYỀN NHÂN VIỆT NAM- GENNEVA 20-7-1979 / SAN JOSE 20-7-2009

Ngày 10-4-1979 tôi đặt chân định cư tại Winnipeg Canada sau mấy tháng ở trại tị nạn Kota Bharu Mã Lai. Chuyến vượt biển tuy gian nan nhưng may mắn thuyền của tôi rất nhỏ, chứa 21 người, đến bờ bình an.

Tháng 7 năm 1979, mùa hè Winnipeg nắng đổ dài tới mười giờ đêm. Tôi ngồi đọc tờ báo tiếng Việt Dân Quyền có nhắc đến tin mấy chục quốc gia họp tại Geneva ngày 20-7- 1979 để bàn cách cứu thêm thuyền nhân.

Bản tin đó tôi nhớ tới hôm nay và sau này đọc thêm tài liệu biết rằng một nghị quyết của buổi họp lịch sử được đưa ra để từ đó các trại tị nạn mở rộng vòng tay đón ghe thuyền tị nạn cập bến, các nước nhận thêm thuyền nhân vào xứ sở của họ, các tàu bè ngọai quốc cứu vớt nhiều hơn các ghe thuyền trên Biển Đông, những người nhân ái và các hội đòan thiện nguyện dành nhiều cảm tình hơn cho những người gọi là Boat People.

Thời đó tôi hãnh diện là một thuyền nhân, đi đâu cũng được người bản xứ Canada hỏi thăm về chuyến vượt biển nguy hiểm của mình.

Lái xe phạm luật thì cảnh sát Canada biết là người tị nạn mới qua nên tha không phạt, vào hãng làm năng suất chậm nhưng không bị chủ đuổi vì là thuyền nhân Việt Nam. Mỗi buổi sáng chủ nhật đi nghe các nhà thờ nói về việc cứu giúp bảo trợ thuyền nhân mới qua. Ội hai chữ Boat People thật là dễ thương.

Tháng 7 năm 2009 là đúng 30 năm từ cái ngày 65 quốc gia họp để cứu thuyền nhân. Cũng là 30 năm tôi đặt chân xứ người. Đã nhiều thay đổi, nhưng tôi mãi không quên chuyến đi vượt biển làm thay đổi cuộc đời của mình.

Thuyền nhân là sự kiện lịch sử bi thảm, nhắc nhớ đến một thời kỳ cai trị khắc nghiệt của người Cộng Sản trên đất nước Việt Nam khiến cho cả triệu người phải liều chết vượt biển.

Thuyền nhân là biểu tượng của khát vọng tự do, đi tìm cuộc sống mới thăng hoa xứ người. Thuyền nhân là đề tài lớn cho sáng tác nghệ thuật nhưng cho đến nay vẫn chưa có những tác phẩm lớn xứng đáng với sự kiện này. Hy vọng tương lai, một lúc nào đó sẽ có.

Tôi đã viết vài ca khúc về vuợt biển, trại tị nạn trong mấy chục năm trước.

Hôm nay nhân tổ chức buổi kỷ niệm 30 năm quốc tế cứu thuyền nhân vào tối thứ bảy 18-7 09 tại rạp hát Le Petit Trianon Theater ở San Jose , một ca khúc mới ra đời mang tên Xin Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới.

“ Tôi đến đây hai bàn tay trắng. Cố quên đi bao niềm cay đắng, bỏ quê hương băng ngàn sóng gió, kiếp tha hương đất khách bơ vơ. Xin cám ơn tấm lòng thế giới, đã cho tôi một cuộc sống mới. Xin cám ơn những người nhân ái, đã cho tôi có một ngày mai. Ngày hôm nay trên xứ người tôi vẫn nhớ.. Những khốn khó những ngày tháng tị nạn xưa. Những mất mát, những đau đớn đã qua rồi. Và mơ ước cùng đời mới đã dựng xây. Xin tôn kính cám ơn đất trời. Xin tưởng nhớ đến những người đã mất trên Biển Đông giúp tôi đến nơi đất lành. Xin cám ơn, xin cám ơn , những tấm lòng.”

Tôi hài lòng vì bài hát đã nói được ý tưởng nhớ đến những người đã bỏ mình trên biển cả.

Một bài hát khác mang tên Những Cánh Chim Hải Âu sẽ giới thiệu cùng các bạn lần tới.

Mời các bạn bấm vào Nghe Nhạc Trần Chí Phúc tìm bài Xin Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới để nghe trình bày hợp ca và bấm vào BẢN NHẠC để có nốt nhạc và lời.



Bấm Vào Đây Để Dowload Bài Hát (Right Click to Save) Cám Ơn Thế Giới