ANH CÒN NỢ EM – DUYÊN THƠ NHẠC GIỮA ANH BẲNG VÀ PHẠM THÀNH TÀI
Khi nhạc sĩ Anh Bằng giã từ nhân thế, báo chí ghi sự nghiệp ca nhạc có nhắc đến bản Anh Còn Nợ Em như là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông. Có lẽ đây là ca khúc phổ thơ thành công và sau cùng nhất so với những ca khúc khác và được nhiều ca sĩ trình bày trên sân khấu hiện thời cũng như bao nhiêu người yêu nhạc hát khắp nơi.
Bài ca chỉ có mấy câu thơ lập đi lập lại rất khéo, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát, để phổ biến rộng rãi. Giai điệu ngọt ngào và đặc biệt bốn chữ “Anh Còn Nợ Em” thật tình tứ, quyến luyến.
Hai kẻ yêu nhau, chia tay, rồi có khi nào nhớ tới nhau, viết thư, nhắn tin, hay tái ngộ tình cờ chỉ cần một câu hát “ Anh Còn Nợ Em” là đủ. Để chứng tỏ anh vẫn còn yêu em và như một lời xin lỗi khéo léo.
Nói theo dân gian, hai tiếng “ duyên nợ ” chỉ tình yêu đôi lứa và trở thành vợ chồng. Nếu gặp nhau mà xa nhau thì “có duyên mà không có nợ ”. Và nếu mà nói “Anh còn nợ em” thì đâu đó, hình như vẫn còn yêu em.
Chợt nhớ câu văn nổi tiếng “ Love means never having to say you’re sorry ( Yêu có nghĩa là không bao giờ nói xin lỗi rất tiếc )” trong cuốn truyện Love Story của Erich Segal dựng thành phim được bao người thưởng thức.
Nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, rồi thích thú phổ thành bản Anh Còn Nợ Em. Lời ca như sau :
“Anh còn nợ em, công viên ghế đá, công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Anh còn nợ em, giòng xưa bến cũ, giòng xưa bến cũ, con sông êm đềm. Anh còn nợ em, chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm. Anh còn nợ em, nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chiếu qua rèm. Anh còn nợ em, con tim bối rối, con tim bối rối, anh còn nợ em. Và còn nợ em, cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ, anh còn nợ em.”
Trong mỗi đoạn nhạc, có 4 câu thơ mà có câu lập lại hai lần, toàn bài câu “anh còn nợ em” lập lại 8 lần; đó là nét riêng của ca khúc và lập lại mà nghe không chán.
Khi bài hát phổ biến, nhạc sĩ Anh Bằng nhờ người tìm tác giả bài thơ và khi tìm được thì thi sĩ Phạm Thành Tài đã qua đời hơn mười năm. Ông chép tay bài nhạc Anh Còn Nợ Em và tặng cho người vợ của thi sĩ làm kỷ niệm.
Thi sĩ Phạm Thành Tài sinh năm 1932 và mất năm 1997. Quê quán ở quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Ông từng bị tù Cộng Sản sau năm 1975, đi qua Mỹ qua diện HO và học lấy bằng Đông Y Bác Sĩ ( OMD- Oriental Medical Doctor ).
Ông đã viết văn làm thơ từ năm 1955. Những tác phẩm đã xuất bản gồm Tình Em Còn Đó (Thơ ), Hương Gây Mùi Nhớ ( Thơ ), Hoa Đào Năm Ngoái ( Tập Truyện ).
Xin ghi ra mấy dòng thơ của Phạm Thành Tài để hiểu thêm :
“Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ. Em là sông em nằm gối chân anh. Gió Tháp sông trôi đôi bờ thủ thỉ. Em là sông Cái anh Tháp Chàm.
Cầu Bóng đón em, cánh tay em đó. Sóng eo thon vòng nối đôi bờ. Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ. Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ.”( Phát Cảnh- Tình Em Còn Đó )
“Ngang vườn chợt vắng áo em phơi. Nhớ xao xác lá ngóng mây trời. Mong như dây thép trơ ngoài nắng. Chim sẻ giăng chờ chẳng muốn bay.” ( Áo Trắng- Tình Em Còn Đó )
“Mai bỏ anh về. Sao. /Hoa thôi nở. Và áo nữa./ Thôi bay. Nắng thôi đỏ. Lửa/ Tàn thôi cháy bước xôn xao”. ( Em Bỏ Anh- Tình Em Còn Đó )
“Hai đứa bên nhau trong rừng vắng. Gió lá rì rào vây quanh. Anh nhặt dùm em bên suối vắng. Những sợi thông vàng vương tóc xanh. Em ơi cho dẫu tình cách mặt. Chớ có trông hình để bóng xa. Giữa thư yêu anh tặng em kỷ vật. Một sợi thông vàng vương tóc xanh.” ( Kỷ Vật- Tình Em Còn Đó )
Phạm Thành Tài có viết một Hồi Ký, xin trích một đoạn :
“Hồi còn ở quê nhà, sau tám năm “cải tạo học tập” về, tôi có mở một phòng mạch chữa bệnh cho bà con để kiếm sống qua ngày. Chữa bệnh bằng Tây Y kiếm cơm hơi khó vì thuốc hiếm, mắc quá, bệnh nhân mua không nổi nên tôi chuyển sang chữa bằng Đông Tây Y kết hợp. Nhờ trời cũng đắp đổi bữa có bữa không. Nhưng tôi quyết không bỏ nghề, không chỉ vì sợ mất cần câu cơm, mà còn vì tôi không thể bỏ ngang thân chủ mình. Bà con lành được bệnh tôi cũng có niềm an ủi, hơn nữa cái thế giới quen biết của mình ngày càng rộng khắp với bao nhiêu tâm sự vui buồn trong thời ly loạn nhân tâm. Trong số đó có một người con gái tên Thư. Cô gái này hình như là sinh viên cũ của Sàigòn không được vô Đại Học Nhà Nước, rất thích đọc sách. Lạ một điều là cô ta chỉ thích loại tiểu thuyết lịch sử. Cô kể cho tôi nghe gần như thuộc lòng nào là “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng, nào là “Chiến Tranh và Hoà Bình”, nào là “Ana Karenina” của Tolstoi. Cuốn này cô kể thật hấp dẫn, đây là cuốn có tình tiết rất tinh tế, rất khó kể sao cho hấp dẫn, thế mà tôi nghe phải mê luôn các nhân vật trong ấy. Có một lần nghe cô kể, không hiểu sao tôi buột miệng hỏi:
– À mà lâu nay cứ nghe chuyện ngoại quốc. Còn truyện trong nước Thư có đọc nhiều không ?
– Chuyện nào em cũng đọc. Hễ thấy là em mua ngay. Hết tiền vì đọc, má em la hoài… Em đọc cả sách “chui” nữa.
– Cả sách “chui” nữa, sách “chui” thì Thu thích cuốn nào?
– “Một Ngày của Ivan” và “Quần Đảo Ngục Tù” của Solzenitsyne, nhất là cuốn “Tầng Đầu Địa Ngục” cũng của Solzenitsyne.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng ra mặt tỉnh bơ.
– Còn sách chui trong nước ?
– “Đường Đi Không Đến” của Xuân Vũ !
( Trích trong Hồi Ký Phạm Thành Tài )
Đó là những nét thơ văn của thi sĩ Phạm Thành Tài, tác giả mấy câu thơ được nhạc sĩ Anh Bằng đưa vào ca khúc nổi tiếng Anh Còn Nợ Em.
Người ta vẫn thường nói nhạc chắp cánh cho thơ. Những câu thơ đưa vào bài hát được ca sĩ, được quần chúng hát khắp nơi. Bốn chữ Anh Còn Nợ Em, nói ra thì nghe rất bình thường ; nhưng hát thì trở nên tình tứ chứa chan bao ý nghĩa.
Thi sĩ Phạm Thành Tài ra đi năm 1997, nhạc sĩ Anh Bằng vừa giã từ giới yêu nhạc ngày 12 tháng 11 năm 2015. Mối duyên thơ nhạc giữa hai người tạo nên ca khúc nổi tiếng Anh Còn Nợ Em.
Trần Chí Phúc
Viết thêm: Trong bài thơ có câu “ Chim về núi Nhạn” làm cho người dân Tuy Hòa thắc mắc. Núi Nhạn là tên của ngọn núi nhỏ nằm giữa thành phố Tuy Hòa, trên đỉnh có cái tháp của người Chiêm Thành xây và thời xưa chim nhạn thường bay về ẩn náu nơi này, do đó dân địa phương gọi là Tháp Nhạn và ngọn núi nhỏ này gọi là Núi Nhạn.
Thi sĩ Phạm Thành Tài đã khuất bóng cho nên không ai giải đáp sự thắc mắc này, ông là dân Ninh Hòa cũng gần Tuy Hòa và có thể là ông đã từng ở Tuy Hòa cho nên cảm hứng đưa hình ảnh Núi Nhạn vào bài thơ.
Đang có một Website lấy tên là Chim Về Núi Nhạn để liên lạc giữa những người Tuy Hòa với nhau.