Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

NHỮNG SỢI LÔNG

29 Tháng Bảy 20158:43 CH(Xem: 7618)
NHỮNG SỢI LÔNG
Để nhớ TRUN và thương tặng những cô gái Việt Nam làm Chambermaid

Chiều vào tối thật sớm. Ánh đèn rực rỡ làm nổi bật những tòa nhà cao được xây cất vội vã của thành phố đang phát triển. Nhưng Calgary vẫn buồn, vẫn nhà quê, vẫn xa lạ với chàng sau hơn nữa năm đến đây vì miếng sống. Thành phố nào cũng vậy với lối kiến trúc như nhau, với xe cộ, với những con người khác màu da tiếng nói, sống vội vàng hưởng thụ hay nô lệ cho tiện nghi vật chất văn minh. Chàng luôn cảm thấy lạc lõng từ lúc rời bỏ quê hương cũng như bây giờ trên chiếc xe bus đầy nhóc người trên đường về nhà. Nhớ tới những chuyến xe đò cực nhọc đứng bám đuôi xe hàng trăm cây số đường ổ gà bụi bám ở Việt Nam sau 75, chàng bùi ngùi cho những người ở lại.
Một mùi hương lạ thoang thoảng mà rất quen, làm chàng quay đầu lại. Cô gái Canada biến đâu mất nhường chỗ cho một người con gái khác. Tóc nàng đen, xỏa dài với làn da trắng mịn. Chưa nhìn kỹ chàng đã cảm thấy nàng đẹp.
Thật lâu trong cảm giác rộn ràng, chàng bỗng hát thật êm vừa đủ hai người nghe: “ Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như em…”
Đúng như dự đoán, nàng ngẩng mặt nhẹ liếc. Chàng chụp lấy cơ hội làm quen:
– Thưa… cô có phải là người Việt Nam?
Chưa nghe hết câu nàng đã gật đầu.
– Tên tôi là TRUN, còn cô?
Cô gái mở to đôi mắt thoáng ngạc nhiên. Ánh mắt long lanh làm chàng bối rối. Giọng miền Nam tự nhiên:
– Tên gì lạ vậy? Anh giỡn?
Chàng thích thú ra vẻ nghiêm nghị:
– Thật mà tên tôi là TRUN. Chắc cô lạ lắm phải không? Ba tôi đặt tên này vì không muốn trùng tên với bất cứ một ai. Một cái tên vô nghĩa, không đẹp không xấu. Người bảo rằng không muốn nghĩa cái tên sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời đứa con mai sau. Cuộc sống của tôi ra sao thì TRUN sẽ có nghĩa như thế.
Cô gái im lặng chăm chú nghe. Chàng tiếp:
– Cô có thấy nhiều người mang tên đẹp mà chẳng đẹp tí nào, như tên Minh mà thật ngu, tên Lan mà thật xấu. Và cái tên trở thành một sự mỉa mai. Tôi không thích tên đẹp, thà tên dở mà người chẳng dở.
Nàng mìm cười ngắt ngang:
– Thế bây giờ tên của anh có nghĩa gì? Anh muốn kêu tên TRUN bằng giọng Bắc hay giọng Nam?
Rồi cô gái cười khúc khích khi đôi môi chúm lại đọc tên chàng. Mặt nàng tươi lên xóa hẳn nét u buồn lúc nảy.
– Hồi còn đi học mỗi lần thầy kêu tên là cả lớp cười. Tôi cũng cười vì có tên đặc biệt và tôi hãnh diện. Cô biết, tôi học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp, được bạn bè mến phục. Một vài đứa muốn chọc ghẹo cái tên TRUN nhưng chẳng làm gì được.
Một cách say mê dĩ vãng, chàng kể:
–   Hồi đó, có một lần tôi nghịch bị ông thầy Việt Văn đem tên TRUN ra chế nhạo và bảo tôi sửa tên, thêm chữ G vào để thành TRUNG. Cô biết tôi nói thế nào không?
Cô gái bị hấp dẫn bởi câu chuyện, lắc đầu:
– Tôi bảo cái tên do cha mẹ đặt ra, không ai được quyền sửa. TRUN chỉ là cái tên để gọi con người của tôi, nó không cần phải mang ý nghĩa nào. Tôi lại nổi nóng nói thêm đặt tên có nghĩa là bắt chước Tàu, kẻ thù đã từng đô hộ mình cả ngàn năm, mình phải đặt tên kiều Việt Nam. Rồi tôi mỉa mai ông thầy tên VĂN, người gì chẳng văn vẻ tí nào, trông thật vũ phu. Rốt cuộc tôi bị đuổi học 10 ngày.
Cô gái cười ngao ngán:
– Anh quá lắm, dám cãi thầy!
Chàng vẫn hăng say:
– Khi nghe tên TRUN cô cười phải không? Và TRUN mang ý nghĩa đó. Nguyễn Văn Vĩnh bảo người VN mình cái gì cũng cười. Tôi cho là người mình lãng mạn vì có máu TRUN. Từ nay tự điển VN sẽ phong phú hơn vì có thêm một chữ mới.
Nàng nguýt dài một cái rồi nhìn ra cửa xe.
Chiếc xe bus đã ra khỏi phố chạy về ngoại ô. Chàng thấy hôm nay sao nó chạy mau thế, nơi chàng ở đã bị vượt qua lúc nảy. Sau vài phút im lặng vì thấy nói về mình hơi nhiều, chàng sực nhớ một điều quan trọng, vội hỏi:
– Thưa cô cho biết tên.
Cô gái tinh nghịch:
– Anh xạo, tôi không tin tên anh là TRUN.
Chàng cười nhẹ chuyển hướng:
– Cô đến đây lâu chưa? Bây giờ đang làm gì?
Mắt nàng chợt buồn, nhẹ đáp:
– Tôi đến Winnipeg được 6 tháng. Lạnh quá và không có việc. Lên đây được 2 tuần, ở với vợ chồng người bạn quen từ trại Mã Lai. Mới đi xin làm Chambermaid ở Four Seasons Hotel hồi chiều, họ chưa trả lời nản quá.
– Tôi cũng ở Winnipeg năm ngoái. Có anh bạn làm bản nhạc : “ Chiều Winnipeg” được lắm. Khi nào có dịp tôi sẽ hát cho cô nghe.
Cô gái nhìn chàng trìu mến:
– Vậy hả? Tôi rất thích nhạc. Anh hát hay lắm. Tên tôi là Hạnh. Nhà anh ở đâu? Tôi phải xuống đây.
Chiếc xe bus dừng lại, nàng đứng lên. Chàng hấp tấp đưa mảnh bao thuốc ghi địa chỉ và số điện thoại, giọng lưu luyến:
– Cô có thể gọi bất cứ lúc nào. Tôi sẽ là người bạn nếu cô muốn.
Chưa đủ, chàng vớt vát thêm:
– Xin phép tôi đưa cô một quãng nhé?
Nàng bất ngờ lạnh lùng:
– Thôi
Và bước ra khỏi cửa xe, vẫy tay chào rồi quay lưng.
Đêm Giáng Sinh đến, một năm sắp hết. Tuyết phủ đầy mênh mông cho chàng nỗi thê lương thấm thía mùa đông. Nhạc Thánh ca văng vẳng từ radio làm lòng chùng hẳn xuống, những kỷ niệm trở về nhức nhối.
“ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” vài nốt nhạc tưởng tượng trong đầu, mắt chàng rưng rưng. Sài Gòn bây giờ có còn lũ lượt người đổ xô ra đường phố trong đêm vui? Có lẽ Sài Gòn là nơi đón mừng Chúa giáng sinh tưng bừng nhất trên khắp quả địa cầu này. Ở đây nhìn thiên hạ sum vầy dưới mái ấm gia đình, những tiệc liên hoan nhộn nhịp khắp nơi càng làm tâm trạng kẻ tha hương mất xứ như chàng thêm tê tái. Nỗi cô đơn to tát chưa bao giờ trở về dày vò khủng khiếp như đêm nay. “ Đã mất hết tất cả rồi! ” Chàng nhủ thầm và cảm thấy như đang rơi vào một vực sâu không đáy của nỗi nhớ nhung và sự tuyệt vọng không cùng.
Nốc một hơi bia, nhả mạnh luồng khói thuốc lên trần nhà như mong nỗi sầu chất chứa tan đi, chàng bỗng nghe chuông điện thoại reo vang. Nhắc ống nghe, từ phía đầu giây tiếng nói trong trẻo bên tai:
– A lô! Tôi là Hạnh. Cho xin nói chuyện với anh TRUN.
Giọng cô gái hơi ngượng ngập chờ đợi. Chàng nhận ra nàng. Hơn hai tháng từ buổi gặp, mỗi lần đi xe bus ngang qua khúc đường nàng quen vào ngõ hẻm là chàng đưa mắt chú ý mong tìm một bóng dáng quen thuộc nhơ nhớ mỗi đêm.
-Tôi là TRUN đây. Cô ở phương trời nào vậy, lâu quá…
– Hạnh bỏ mất sổ phone, mới tìm lại được. Anh khỏe không?
Nàng xưng tên với chàng thân mật. Một thay đổi êm ái không ngờ. Chàng vẫn không thích con gái xưng tiếng “tôi” trừ phi là đàn bà. Muốn làm quen mà bị xưng hô “tôi” là coi như hỏng.
– Đêm Noel, Hạnh không đi chơi đâu sao?
– Buồn, muốn được nghe anh hát.
– Giọng đang khàn, nhưng tôi có thể nói phét cho nghe đỡ buồn chịu không?
Rồi chàng đọc luôn mấy câu thơ “ Buồn mà chi em, để anh đưa em về bên kia sông Đuống, ngày xưa cát trắng phẳng lì…”
Nàng vui vẻ:
– Anh nghệ sĩ quá, còn tài gì nữa?
– Nhiều lắm. À lúc này Hạnh làm gì?
– Vẫn nghề Chambermaid ở Four Seasons Hotel. Đừng hỏi chuyện đó, chán lắm. Thôi anh nói phét nghe đi.
Chàng cười và và bắt đầu mở máy:
– Hạnh làm ở đấy có thấy NHỮNG SỢI LÔNG không?
– Anh nói cái gì?
– NHỮNG SỢI LÔNG?
Một chút im lặng rồi nàng chợt hiểu phá lên cười. Tiếng cười khúc khích lớn dần liên tục như có điều gì kỳ thú lắm. Chàng cũng cười theo và nhớ đến những ngày lang thang tận gần Bắc cực làm cho một khách sạn của công ty du lịch. Chàng làm đủ việc từ phụ bếp, nấu ăn, bồi bàn đến dọn quét nhà cửa và cả công việc dọn phòng ngủ- như cô gái Chambermaid đang làm.
Hình ành chàng không bao giờ quên, nữa ghê tởm, nữa khôi hài là  “ Những sợi lông” trong phòng tắm. Thật bực bội và mất công để cái bồn tắm thật sạch sẽ và điều quan trọng là không được có bất cứ một sợi lông, sợi tóc nào dính trên đó. Người đàn bà kiểm soát phòng chú ý nhất điểm này khi cuối giờ.
Chàng tìm mọi cách để khỏi phải đụng tay vào những sợi lông đó như dội nước hay lây khăn ướt túm lấy. Nhưng cuối cùng cách mau và bảo đảm nhất là nhặt lấy từng sợi tóc rồi bỏ vào thùng rác.
Có hôm khách trọ chẳng hiểu vô tình hay cố ý chọc các cô chambermaid khi ra đi đã để lại bồn tắm đầy những sợi lông. Những sợi lông đủ màu đen, trắng, hung, nâu…
Nàng vẫn cười và thắc mắc:
– Sao anh biết mà hỏi?
– Cái gì cũng biết cả, tôi đã từng làm việc đó. Mà cô nghĩ sao khi thấy nó?
Tiếng cười bỗng ngưng rồi chàng nghe bỗng nghe tiếng thút thít. Nàng khóc òa lên như đứa trẻ. Khóc một cách say mê, khóc như muốn trút hết nỗi đau thương tủi nhục vào người đối thoại. Chàng hụt hẫng chới với. Trong đời chàng rất thích và sợ con gái khóc. Thích vì chàng sẽ là người vỗ về an ủi, sẽ cảm thấy mình là một người đàn ông vững vàng che chở cho phái yếu. Nhưng sau đó chàng lại sợ, nước mắt tuôn rơi làm chàng mũi lòng yếu đuối. Chàng đang ở trong hai cảm giác đó xen lẫn hoang mang.
Cô gái tức tưởi trong điện thoại:
-Buồn tủi lắm anh ơi, em buồn tủi lắm anh ơi!
Nàng trở nên nhỏ bé, tội nghiệp trong tiếng “em”.
– Hai anh của em bị chìm ghe chết ở Kota Bahru năm ngoái khi đến bờ. Em may được sóng đưa vào. Đến xứ này đâu có ai quen…
Chàng dỗ dành:
– Nín đi Hạnh. Anh xin lỗi đã vô ý làm em buồn. Mình đã mất quê hương, sang đây là phải chấp nhận thương đau. Thôi ráng lên em. Anh cũng buồn vậy.
– Em biết. Nhưng hồi giờ em đâu có quen làm cái nghề này. Ghê lắm anh ơi.
Nàng vừa khóc vừa nói tiếp:
– Hôm qua lúc em đang dọn phòng có thằng điên nó ôm em và đòi làm ẩu. Em vùng vẫy la lên. Nó đóng cửa phòng năn nỉ rồi dụ dỗ cho tiền bảo em “ ấy ” với nó. May mà em chạy được ra ngoài. Em sợ quá anh ơi.
Chàng nhíu mày tức tối:
– Có chuyện đó sao?
– Nhiều lần em mắc cỡ muốn chết nhưng phải chịu đựng làm việc. Thôi chắc em không làm nữa đâu. Hu hu! huhu!…
Chàng ra giọng tán thành rồi, một cách thiết tha, nói một hơi dài:
-Anh rất thông cảm Hạnh. Em có thể coi anh như một người bạn hay một người anh, hay ít ra cũng là một người Việt Nam đồng hương giúp đỡ nhau nơi xứ lạ này. Em đừng ngại, mình còn gì để mà nghi kỵ, dè dặt nữa. Bao nhiêu chia ly, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu đổi thay cuộc đời.
Trong miên man xa xôi, tiếng chàng vẫn đều đều trầm ấm:
– Anh sẽ giúp Hạnh tìm việc khác. Nếu em không có người quen, em sẽ ở với mấy gia đình anh thân, hoặc ở với anh tùy em muốn. Rồi em sẽ đi học Anh văn, học nghề, từ từ tương lai sẽ đỡ hơn.
Cô gái ngưng khóc, ngại ngùng:
-Em không dám làm phiền anh đâu. Em ráng lo lấy được. Thỉnh thoảng gặp anh cho đỡ buồn thôi. Em nhớ nhà quá. Thôi anh hát cho em nghe đi nhen.
Dĩ nhiên là chàng ưng thuận và hỏi:
– Anh đến em hay em đến nhà anh? Mà để anh gọi tắc xi đón em đến dự Giáng Sinh với anh cho vui. Anh sẽ đàn và hát cho em nghe suốt đêm nay.
Chàng hỏi địa chỉ, bảo cô gái sửa soạn, rồi gác máy.
Một nỗi buồn man mác nào đó xâm chiếm, chàng cầm lấy cây đàn và cao giọng bài hát không nhớ hết lời : “ Nguyện Cầu Đêm Giáng Sinh” của Phạm Duy phổ thơ Trụ Vũ.
“ Xin tình yêu Giáng Sinh. Xin một lần hoa nở… Trên quê hương cằn cỗi…Xin tình yêu Giáng Sinh…”
Quê hương xa vời vẫn đang đau khổ bao năm. Mắt nhìn về hướng xưa trong bóng tối mờ mịt, chàng mơ thấy những đóa hoa xuân thanh bình nở rộ và hương thơm tình yêu phảng phất. Chàng đang vui.
Calgary, Giáng Sinh 1980
(Đã đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, số 146, phát hành 16-2-1982.)