Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

ANH BẰNG- NGHỆ THUẬT ĐƯA THƠ VÀO CA KHÚC

15 Tháng Mười Một 201610:05 CH(Xem: 25341)
ANH BẰNG- NGHỆ THUẬT ĐƯA THƠ VÀO CA KHÚC

ANH BẰNG- NGHỆ THUẬT ĐƯA THƠ VÀO CA KHÚC                        

                                                                     Trần Chí Phúc

Trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng mấy trăm bài thì có một số ca khúc ông lấy ý từ một bài thơ hoặc phổ nguyên bài, hoặc một số câu trong bài thơ, hoặc sửa vài chữ trong câu thơ cho hợp với nốt nhạc, hoặc cảm hứng từ bài thơ mà viết nên lời ca mới cho bài hát.

Thời Sài Gòn trước năm 1975, Anh Bằng đã có một số bài nhạc phổ thơ nổi tiếng; khi qua Hoa Kỳ ông vẫn hăng say sáng tác và có thêm nhiều ca khúc phổ từ các bài thơ được ca sĩ trình diễn và khán giả ưa thích.

Muốn biết rõ tài năng đưa thơ vào ca khúc của một nhạc sĩ thì phải đọc nguyên tác bài thơ rồi so sánh với lời ca của ca khúc. Có trường hợp một bài thơ bình thường nhưng khi biến thành bài hát thì nghe rất tới, có bài thơ rất hay nhưng khi chuyển thành ca khúc thì lại mất đi nét thi vị.

Thời gian gần đây có rất nhiều người phổ thơ thành bài hát, họ đặt những nốt nhạc cho từng chữ của bài thơ và hát lên thành bài hát. Cách này gọi là Hát Thơ, thay vì Đọc Thơ hoặc Ngâm Thơ. Phổ kiểu này thì nét nhạc dễ đơn điệu, nhàm chán, khó mà trở thành một ca khúc hay, và đôi khi khó hát, khó nhớ.

anh-bang-tcp
Nhạc sĩ Anh Bằng và Trần Chí Phúc- Quận Cam Tháng 8/2014

Làm cách này thì người thi sĩ rất thích vì bài thơ được giữ nguyên vẹn. Và câu hỏi được đặt ra là thi sĩ muốn kiểu nào- hát nguyên cả bài thơ một cách đơn điệu hay chỉ dùng một số câu thơ để làm thành bài hát êm tai và vang xa hơn. Và phải công nhận một điều hiển nhiên rằng bài thơ khác với bài hát. Do đó, cách đưa thơ vào ca khúc là một nghệ thuật.

Thi ca tức là thơ và ca hát, gắn bó với nhau vì ngôn ngữ Việt Nam có năm dấu sắc huyền hỏi ngã nặng tạo nên âm điệu trầm bỗng. Thơ là đề tài, là nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhạc sĩ viết nên các bài hát vì họ có thể dùng các lời thơ để chuyển thành ca từ hoặc lấy ý tưởng của bài thơ và câu thơ để đặt các lời ca cho nhạc phẩm.

Sự đóng góp của một bài thơ cho lời ca của một bài hát chiếm bao nhiêu phần trăm thì tùy theo từng trường hợp, phải so sánh nguyên cả bài thơ với ca từ thì mới biết được. Và đây cũng tạo nên một sự tranh cãi thỉnh thoảng xảy ra giữa thi sĩ và nhạc sĩ về vấn đề tác quyền.

Xin kể ra một vài bài hát để hiểu thêm về nghệ thuật đưa thơ vào ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng.

Bài hát Nếu Vắng Anh

Thập niên 60, bài hát Nếu Vắng Anh ra đời được nồng nhiệt đón nhận. Lời ca như sau:

"Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió. Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố. Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về, kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu...
Nhưng thôi em biết rằng khi núi sông chưa thái bình trên khắp nơi. Anh đi vì nguồn sống, vì ngày mai, vì tự do liều thân tranh đấu..."
Không hiểu sao trên trang mạng Internet có người ghi là phổ từ thơ Nguyên Sa, bài Cần Thiết: " Không có anh lấy ai đưa em đi học về. Lấy ai viết thơ cho em mang vào lớp. Ai lau mắt cho em ngồi khóc. Ai đưa em đi chơi trong những chiều mưa. Những lúc em cười trong đêm khuya. Lấy ai nhìn những đường răng em trắng...."

Đối chiếu lời ca và lời thơ thì chỉ thấy có một sự tương đồng về chủ đề là nỗi mong nhớ của người con gái thấy thiếu vắng người yêu con trai mà thôi. Một người nói là "nếu vắng anh", một người nói là "không có anh", giống ý mà khác chữ.

 Có thể trong thời điểm ca khúc Nếu Vắng Anh ra đời gây tiếng vang thì bài thơ Cần Thiết cũng xuất hiện và làm cho người ta liên tưởng chúng với nhau. Trong một chương trình thi nhạc giao duyên hát và ngâm hai bài này thì thật ăn ý.

Nhưng không thể nói là ca khúc Nếu Vắng Anh phổ từ bài thơ Cần Thiết.

 

Bài hát Hoa Học Trò

Phổ từ thơ Nhất Tuấn được coi là một trong những nhạc phẩm với nghệ thuật đưa thơ vào ca khúc thành công nhất của Anh Bằng. Bài thơ dễ thương như sau :

"Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Em không chịu, sợ phải lên trên trời
Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ-niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng
Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi. ( Thơ Nhất Tuấn )

Và dưới đây là lời ca của bài hát Hoa Học Trò do Anh Bằng phổ nhạc:

Bây giờ còn nhớ hay không?
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung

Bây giờ còn nhớ hay không?
Bây giờ còn nhớ hay không?
Bây giờ còn nhớ hay không?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu
Sợ phải lên trên trời
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời
Lên trời hai đứa hai nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm anh em biết tìm đâu bây giờ
Bây giờ tìm kiếm em đâu?
Bây giờ thì mãi xa nhau.

Bài hát Hoa Học Trò được song ca nam nữ như Hương Lan Tuấn Vũ, Diễm Liên Nguyên Khang. Riêng Ngọc Lan Duy Quang đã khuất bóng cho nên khi nghe bài này cho cảm giác nuối tiếc kỷ niệm thật vời vợi. Bản này hai người hát tông Si Thứ.

Người phổ nhạc không dùng 4 câu cuối của bài thơ;  nhưng lặp lại thêm 2 lần câu "bây giờ còn nhớ hay không " để cho ý nhạc được phong phú. Tuy lặp lại lời ca nhưng chữ " bây giờ " của câu trước là nốt Si và Fa Thăng và chữ "bây giờ " của câu sâu là nốt Si và Sol tạo nên sự thay đổi với hợp âm khác nhau. ( Si Fa Thăng Fa Thăng Re Si Si / Si Sol Sol Re Si Si )

 Cũng những nốt nhạc này, tác giả đã đặt lời thêm cho 2 câu kết thúc ca khúc :

" Bây giờ tìm kiếm em đâu. Bây giờ thì mãi xa nhau", làm cho bài hát thêm nỗi sầu chất ngất. Cái khéo của nhạc sĩ Anh Bằng là đã chọn đúng cái hơi thở của bài thơ qua câu " Bây giờ còn nhớ hay không " để gắn những nốt nhạc thích hợp mà tạo nên câu hát bay bỗng.

Từ câu thơ " Nhưng em không chịu sợ lên trên trời ", nhạc sĩ đặt thêm hai câu " sợ phải lên, sợ phải lên trên trời" câu sau nốt nhạc cao hơn câu trước cho cảm giác như bay lên trời.

Câu " Hôm nay phượng nở huy hoàng" chuyển sang Sol Trưởng rồi " câu "Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau " dùng Si Trưởng Bảy rồi sang Mi Thứ thật ngọt ngào.  Câu " Rưng rưng phượng đỏ trên đầu " dùng Re Trưởng rồi câu " Tìm anh em biết tìm đâu bao giờ " dùng Fa Thăng Trưởng Bảy để giải kết bằng gam chủ Si Thứ thật trọn vẹn và mùi mẫn. Nét nhạc ở đoạn này nghe thật tự nhiên và quyến rũ.

Bài hát không chuyển cung xa ( modulation) với những hợp âm cầu kỳ, người có kiến thức âm nhạc trung bình vẫn đàn hát bản Hoa Học Trò với gam Si Thứ, Sol Trưởng, Re Trưởng, Fa Thăng Trưởng Bảy, Si Trưởng Bảy nghe vẫn phong phú.

Nghệ thuật đưa thơ Nhất Tuấn vào bài hát của Anh Bằng trong bài Hoa Học Trò thật tự nhiên và làm cho lời thơ sinh động hơn.  Nhờ những đoạn nhạc đặt thêm giúp cho ca khúc tránh khỏi sự đơn điệu thường thấy khi phổ thơ lục bát. Và điều đặc biệt là những đoạn nhạc đặt thêm này đều có lời ca lập lại từ câu thơ trong bài thơ ,chứ người nhạc sĩ không chế biến. Điều này làm cho khán giả thưởng thức được trọn vẹn lời thơ và thi sĩ cũng vui vì thơ của mình không bị biến dạng.

Bài thơ hay mà bài hát cũng hay, ca khúc Hoa Học Trò là một khuôn mẫu cho những ai muốn học hỏi nghệ thuật phổ thơ thành nhạc, lấy đó mà tham khảo.

Ca khúc Chuyện Giàn Thiên Lý

Phổ từ bài thơ Nhà Tôi của thi sĩ Yên Thao, cũng là một nhạc phẩm được khán giả yêu thích.  Nguyên tác bài thơ rất dài :

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tuyết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lờm lợp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi đau gì không ?

..................................................................
Này anh chiến sĩ người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ? Mà tôi nghe như trại giặc tan tành
Anh rót cho khéo nhé ! Kẻo lại nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý có người tôi yêu

Bài thơ này được sáng tác ở Miền Bắc và chuyền vào Miền Nam cho nên có một số chữ không đúng ý thi sĩ như " màu trăng vôi" chứ không phải " màu trắng vôi " hay " nhà tôi ở cuối thôn đồi " chứ không phải là thôn đoài,  " má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín " chứ không phải " mùi lúa chín ".

Tuy nhiên nhạc sĩ Anh Bằng đã đọc và thấm bài thơ Nhà Tôi vào hồn để cuối cùng tạo ra những lời ca mới mẻ cho nhạc phẩm Chuyện Giàn Thiên Lý:

"Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói.
Làng tôi đây, bao năm dài chinh chiến,
từng lũy tre muộn phiền.
Tôi có người vợ ngoan.
Đẹp như trăng mười sáu, cưới rồi đành xa nhau.
Nhớ đôi môi nàng hiền, xinh xinh màu nắng.
Má nàng hồng thơm mùi thơm lúa non.
Ai ra đi mà không từng bịn rịn.
Xa người yêu mà dễ mấy ai vui.
Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi.
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Này anh lính chiến, người bạn pháo binh.
Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn.
Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi.
Nhà tôi ở cuối chân đồi,
có giàn thiên lý, có người tôi thương."

Thi sĩ Yên Thao đã nói rằng một người đồng đội đã kể về nỗi nhớ nhà của anh có vợ trẻ và có giàn thiên lý, đã tạo cảm hứng cho ông viết nên bài thơ Nhà Tôi. Và nhạc sĩ Anh Bằng cũng tâm đầu ý hợp với thi sĩ khi đặt tên bài hát Chuyện Giàn Thiên Lý, thể điệu Bolero nhịp nhàng .

 Nếu nói rằng bài hát này phổ thơ thì cũng không đúng hoàn toàn, vì không thấy những lời thơ nguyên vẹn của Yên Thao. Có thể nói là phỏng thơ hoặc dựa trên ý thơ. Cách đưa thơ vào nhạc kiểu này thì người thi sĩ không hài lòng lắm vì họ đã từng thao thức để tìm ra những từ ngữ độc đáo mà người nhạc sĩ lại biến đổi thành lời ca khác, tuy là cùng ý nhưng khác chữ.

Để chuyển bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao thành ca khúc Chuyện Giàn Thiên Lý thì rõ ràng là nhạc sĩ Anh Bằng đã đọc bài thơ nhiều lần và thấm bài thơ vào hồn để rồi sáng tác các lời ca dựa trên ý thơ kết hợp cùng ý nhạc. Đây cũng là một nghệ thuật biến thơ thành ca khúc tài tình cùa ông.

Ca Khúc Anh Còn Nợ Em

Một ca khúc phổ thơ gần đây nhất cũng được nhiều người hát là bản Anh Còn Nợ Em , thơ của Phạm Thành Tài. Người ta không biết rõ nguyên tác bài thơ ra sao mà so sánh với lời ca để hiểu thêm về tài năng phổ thơ của người nhạc sĩ. Trong một lần gặp gỡ, nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng ông có được một tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài có mấy bài thơ ngắn và ông phổ thành ca khúc. Khi hoàn thành ca khúc đi tìm thi sĩ thì thi sĩ đã ra người thiên cổ mười mấy năm trước.

Lời của bài hát Anh Còn Nợ Em như sau :

" Anh còn nợ em. Công viên ghế đá . Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm.Và còn nợ em. Dòng xưa bến cũ . Dòng xưa bến cũ. Con sông êm đềm . Anh còn nợ em. Chim về núi nhạn. Trời mờ mưa đêm . Trời mờ mưa đêm. Anh còn nợ em. Nụ hôn vội vàng. Nụ hôn vội vàng. Nắng chói qua song. Anh còn nợ em. Con tim bối rối .Con tim bối rối . Anh còn nợ em .Và còn nợ em. Cuộc tình đã lỡ. Cuộc tình đã lỡ . Anh còn nợ em "

Mỗi câu hát chỉ có 4 chữ. Một đoạn nhạc có 4 câu thì đã có 2 câu lặp lại lời ca. Nhưng chính sự lặp lại lời ca này lại tạo nên nét đặc biệt cho ca khúc và nói theo cách nói của Anh Bằng thì sự lặp lại này có duyên chứ không " cà lăm ".

Trong bài hát có câu " Chim về núi nhạn " làm cho những người ở Tuy Hòa thắc mắc vì Núi Nhạn là địa danh nổi tiếng nằm trong lòng phố Tuy Hòa; nhưng thi sĩ Phạm Thành Tài đã không còn để trả lời câu hỏi thi vị này.

Một ca khúc ngắn, lời ca chỉ có mấy câu lặp đi lặp lại thế mà nghe vẫn hay, vẫn thấm thía lòng khán giả; và bản Anh Còn Nợ Em trở thành một nét lạ trong nghệ thuật phổ thơ của nhạc sĩ Anh Bằng.

Nghệ thuật phổ thơ muôn màu muôn vẻ. Nhạc sĩ Anh Bằng còn nhiều bài hát dựa vào thơ được khán giả mến chuộng. Bài viết này kể ra mấy bản tiêu biểu Hoa Học Trò, Chuyện Giàn Thiên Lý, Anh Còn Nợ Em để thưởng thức nghệ thuật đưa thơ vào ca khúc của ông.