Một Quán Cà Phê Như Paris Nơi Phố Cổ Garden Grove
Phan Tấn Hải
Làm thế nào để từ biệt một người bạn thân? Hãy hình dung rằng, bạn là một nhà báo giữa vùng Little Saigon, bạn từ khắp nơi tới trong những mùa lễ lớn, hay trong những ngày hè… Đón bạn tới là một niềm vui, nhưng từ biệt lại là chuyện gian nan. Khi chia tay, có vẻ như có nói gì đi nữa cũng thành cải lương. Nhất là, khi bạn từ xa tới chỉ để góp một tiếng hát trong buổi ra mắt sách của mình. Xa, vâng. Đó là xa tận Ohio, nơi cách Quận Cam 2,350 dặm.
Với nhạc sĩ Trần Chí Phúc, tôi chỉ có cách đơn giản là mời vào một quán cà phê. Tìm một không khí Paris, hàn huyên, rồi sẽ từ biệt.
Tôi tin rằng tình bạn luôn luôn có tính tiền định. Khi nhìn lại tất cả những người bạn trong đời mình, từ trong xóm, cho tới thời tiểu học rồi cho tới trung học, đại học… và rồi lưu vong. Nếu không có cơ duyên, sẽ không thể gặp nhau trong đời này.
Dĩ nhiên, bạn thân là hy hữu trong cõi này, nơi nhìn đâu cũng thấy bạo lực, và tình bạn là bóng mát hy hữu.
Tôi còn nhớ Đức Phật nói trong Tăng Chi Bộ Kinh một bài kệ, mà tôi đọc từ lâu, nói về tình bạn:
bạn sẽ tặng những gì rất đẹp
trao những gì rất khó để trao
bạn tới giúp những gì khó làm
chịu thay nhau những lời đớn đau
bạn kể bí mật của bạn
và giữ bí mật của nhau
Khi gian nan hoạn nạn
bạn không bỏ rơi nhau…
Tình bạn giữa nhạc sĩ Trần Chí Phúc và tôi có tính tiền định. Phải kể là biết nhau hơn hai thập niên, nhưng bỗng khám phá ra mình có thể cùng nhau làm một hy hữu bất ngờ: tôi làm 10 bài thơ Thiền, và Phúc phổ nhạc. Tất cả 10 ca khúc trong CD “Hoa Bay Khắp Trời” đều đã phổ biến trên YouTube.
Hầu hết các quán cà phê tại Westminster đều đông, chật và ồn ào náo nhiệt. Và Trần Chí Phúc bảo là tới một quán mới mở có tên là epatisserie & Café (http://epatisseriecafe.com/) tại: 12919 Main Street, Garden Grove, CA 92840. Phone: (714) 591-5859. Phúc và tôi ra ngồi nơi vườn sau của quán.
Cũng là bất ngờ. Đường Main Street là phố cổ của thành phố Garden Grove, nơi nhiếp ảnh gia Lê Phúc từng mở tiệm ảnh. Tôi còn nhớ một thời rất lâu, Luật sư Andrew Đỗ họp báo nơi một góc đường này trong một kỳ bầu cử nào đó, và tôi xách máy ảnh, giấy bút tới cặm cụi đứng nghe, ghi ghi chép chép…
Đây là con đường đẹp nhất Garden Grove, khu phố lát gạch như các phim có bối cảnh một Châu Âu cổ. Như một thành phố Pháp, hay Ý.
Cà phê cũng tuyệt vời. Nhưng sức khỏe tôi không còn uống Espresso được nữa, vì quá đậm so với sức khỏe của mình. Thôi thì gọi Cappuccino, và chợt nhớ rằng một thời cà phê Ban Mê Thuột rất khác với cà phê Sài Gòn. Và nơi đây, giữa thị trấn Garden Grove, trong quán rất mực Paris này, với gia đình người chủ là Việt Nam có lò bánh ngay trong tiệm. Hy hữu, bánh ngon kiểu Pháp (dĩ nhiên, tôi không thế nhớ mình ăn bánh gì, vì tiếng Pháp với tôi là một cổ ngữ chỉ làm quen thời tiểu học, và rồi quên sớm). Đó là một buổi trưa Thứ Bảy để từ biệt bạn, trước khi Trần Chí Phúc bay về Ohio.
Hình như trong truyện võ hiệp, nhà văn Kim Dung khi kể về bạn chia tay nhau, thường là trong một quán rượu, nơi đó nội công sẽ biểu diễn bằng cách nốc rượu bằng tô và thùng. Và rồi, cũng thường khi, giữa cuộc rượu sẽ có một kẻ gian võ công đầy mình tới quậy phá. Nhưng đây là đời thực Quận Cam, tôi chỉ nói từ biệt Phúc, bạn cẩn trọng đường xa.
Tôi cũng có kỷ niệm với Paris, một lần sang chơi, nhưng chưa bao giờ ngồi tại một quán cà phê nào có không khí như nhìn thấy trong phim Roman Holiday nơi có bối cảnh là Rome, thủ đô Ý, khi nữ tài tử Audrey Hepburn đóng vai Công Chúa An của một vương quốc không minh danh trốn ra phố chơi, và gặp chàng phóng viên báo Mỹ nhưng đặt một trụ sở hải ngoại ở Rome.
Không khí phố cổ Main Street của Garden Grove, và quán cà phê ePatisserie & Café cũng phảng phất như trong phim Roman Holiday. Tôi nói với Phúc, rồi một hôm, mình sẽ mời bà Tú Xương của mình tới ngồi quán này, và sẽ nói với nàng rằng hai đứa đang ngồi trong một ký ức điện ảnh. Thôi, Phúc đi đường xa. Vị cà phê sẽ còn đậm trong trí nhớ, từ nơi quán này, từ nơi phố cổ Garden Grove này.