GIÃ BIỆT CAO THẾ DUNG- NHỚ PHIÊN TÒA MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
Trần Củng Sơn
Vừa được tin giáo sư Cao Thế Dung qua đời ngày 31- 10 -2017 ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 85 tuổi, lòng chợt bồi hồi, nhớ tới phiên tòa xử vụ Mặt Trận kiện Báo Chí ở toà Thượng thẩm San Jose vào tháng 12 năm 1994.
Nguyên do là tác giả Cao Thế Dung đã viết 3 bài báo với bút hiệu khác nhau đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong : Ai giết ký giả Lê Triết ( Lê Kính Dân ), Lý do nào khiến Mặt Trận Khiến Chán Mafia phải ra tay hạ sát ký giả Lê Triết ( Lê Bằng Phong), Sự thật về những lý do Mặt Trận ma Khiến Chán đã phải giết ký giả Lê Triết ( Chu Trích Lục ).
Thêm vào đó ông còn viết cuốn sách : Mặt Trận Những Sự Thật Chưa Hề Được Kể do nhà xuất bản Văn Hóa của nhà văn Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu phát hành. Trong 3 bài báo và cuốn sách ông cho rằng thủ phạm giết vợ chồng ký giả Lê Triết là các nhân vật lãnh đạo của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam- gọi tắt là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
Do đó ba vị lãnh đạo của Mặt Trận HCM là Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa đã đưa đơn kiện chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong là Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm báo Văn Hóa là Vũ Ngự Chiêu và tác giả Cao Thế Dung về tội vu khống phỉ báng. Phiên tòa xử ở thành phố San Jose, tiểu bang Cali với bồi thẩm đoàn gồm 12 vị, vào ngày 5-12-1994 và kết thúc vào ngày 22-12-1994.
Phía nguyên đơn Mặt Trận HCM có luật sư Paul Kleven, phía bị đơn Nguyễn Thanh Hoàng nhờ luật sư Richard Givens, Vũ Ngự Chiêu nhờ luật sư Nguyễn Tâm và Cao Thế Dung tự biện hộ trước tòa ( với sự cố vấn của luật sư Nguyễn Tâm).
Cho đến nay cảnh sát Hoa Kỳ chưa tìm ra thủ phạm bắn chết vợ chồng ký giả Lê Triết, chỉ biết Lê Triết với bút hiệu Tú Rua đã có những bài báo chỉ trích nặng nề Mặt Trận HCM trên báo Văn Nghệ Tiền Phong và đã nhận những lời hăm dọa thời đó.
Về mặt luật pháp thì phía bị đơn đã không có những bằng chứng rõ ràng khi nêu tên Mặt Trận HCM là thủ phạm qua báo chí và sách, do đó khả năng bị thua kiện rất cao.
Phía bị đơn có được nhân chứng Phạm Văn Liễu rất quan trọng. Cựu đại tá Phạm Văn Liễu là nhân vật số 2 của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Ông giữ chức Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại, đi khắp hải ngoại để vận động tuyên truyền và xin ủng hộ tài chánh cho tổ chức Mặt Trận mà chủ tịch là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ở căn cứ kháng chiến trên lãnh thổ Thái Lan.
Sau đó hai ông bất đồng ý kiến và Phạm Văn Liễu rút ra khỏi tổ chức. Trong phiên tòa , ông Liễu đã kể lại những tình tiết nội bộ của tổ chức Mặt Trận HCM. Ông nói rằng “ trong thâm tâm tôi tin Mặt Trận là thủ phạm”.
Những nhân chứng của hai bên ra khai trước tòa về tổ chức Mặt Trận HCM, về căn cứ kháng chiến Thái Lan, về tài chánh, về tin tức Hoàng Cơ Minh còn sống hay đã chết vào thời điểm phiên tòa tháng 12- 1994…vv….
Cả hải ngoại theo dõi tin tòa xử vì đây là vụ án lớn, một bên là tổ chức kháng chiến từng được nhiều người ủng hộ, một bên là tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong nổi tiếng. Giáo sư Cao Thế Dung cũng là người từng ở trong tổ chức Mặt Trận trước đó, viết báo Kháng Chiến với bút hiệu Vương Chí Nhân, nhà văn Nguyên Vũ tên thật Vũ Ngự Chiêu có bằng tiến sĩ sử ở Hoa Kỳ.
Kết quả bồi thẩm đoàn phán quyết tỉ lệ 11-1 cho rằng bên bị đơn không bị tội vu khống phỉ báng bên nguyên đơn.
Tôi đã tham dự các phiên tòa này và viết bài tường thuật mỗi ngày trên tờ nhật báo Thời Báo ở San Jose do ông Vũ Bình Nghi làm chủ nhiệm. Độc giả háo hức đọc bài viết của Trần Củng Sơn và ngòi bút của mình bị áp lực rất nặng nề. Nhưng nhờ hiểu biết về sinh hoạt cộng đồng hải ngoại nhiều năm, có một chút kiến thức về luật pháp tổng quát ( từng là sinh viên đại học Luật Khoa Sài Gòn ), được bằng hữu chuyên môn hỗ trợ, nên mình đã hoàn tất được cuốn sách ghi lại những điều chính về một phiên tòa lịch sử.
Nhiều báo đăng bài tường thuật đó, sau này khi xuống miền Nam Cali thì nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, lúc còn làm Tổng thư ký báo Người Việt có đưa cho tấm chi phiếu 100 mỹ kim gọi là tiền nhuận bút về bản tin phiên tòa.
Sau phiên tòa đó, tôi chưa bao giờ gặp lại giáo sư Cao Thế Dung cho đến khi ông từ giã nhân thế.
Luật sư Nguyễn Tâm nổi tiếng từ phiên tòa này và hiện nay đang giữ chức Nghị viên thành phố San Jose , Quận 7. Khi nghe tin giáo sư Dung mất, Nguyễn Tâm bày tỏ sự thương tiếc và lòng ngưỡng mộ tác giả Cao Thế Dung đã cùng với bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Mật Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa viết cuốn sách Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống ( Lương Khải Minh & Cao Vị Hoàng), làm say mê nhiều người thời trước 1975 ở Sài Gòn.
Tôi nhớ những lời khai của giáo sư Cao Thế Dung rất thú vị làm giảm bớt không khí căng thẳng ở phiên tòa. Tôi đã trích lời ông và viết tựa đề bài báo “ Tôi đốt bằng tiến sĩ trước mộ mẹ tôi ”.
Những người tham dự phiên tòa phía bị đơn thì nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng, cựu đại tá Phạm Văn Liễu đã mất, bây giờ tới phiên giáo sư Cao Thế Dung.
Tôi đã tình cờ gặp được anh Lê Hưng- con trai của Lê Triết trong một buổi tiệc nhỏ, anh kể lại bố anh đã cho nghe đoạn ghi âm các lời hăm dọa.
Lịch sử đang dần trôi, phiên tòa đã qua đi 23 năm ( 1994- 2017 ). Những bài báo tường thuật phiên tòa và sau đó được viết lại thành cuốn sách Mặt Trận Kiện Báo Chí- Vụ Án Lớn Nhất Hải Ngoại, là một kỷ niệm đẹp trong đời viết báo. Dọn nhà nhiều lần và tôi đã không còn giữ được cuốn nào. Cũng may là có ai đó đánh máy lại ( có một số chữ sai ) và đưa lên trên mạng.
http://vietmessenger.com/books/?title=mattrankienbaochivuanlonnhatohaingoai
Bây giờ nghĩ lại lý do tại sao phía bị đơn không thua kiện mặc dù không có bằng chứng rõ ràng thì không có câu trả lời chính xác. Có thể là họ có những nhân chứng quan trọng cho lời khai thuyết phục , luật sư giỏi, và cuối củng là sự cảm tính của bồi thẩm đoàn.
Giã biệt giáo sư Cao Thế Dung, nhớ lại phiên tòa Mặt Trận Kiện Báo Chí ở San Jose , tháng 12 năm 1994 mà ông là nhân vật chính với những dòng chữ còn đó.